Gắn 'sao OCOP' cho sản phẩm giò bột truyền thống

Bình luận · 243 Lượt xem

Giò bột Long Bình - sản phẩm OCOP 3 sao (xã An Dũng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã vượt 'lũy tre làng' để đến với thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Cơ sở sản xuất giò bột Long Bình do chị Phạm Thị Bình (SN 1966, thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng, huyện Đức Thọ) làm chủ. Cho đến nay, chị Bình vẫn không nhớ chính xác nghề gia truyền của gia đình có từ khi nào, chỉ biết nguồn thu nhập chủ yếu từ thời ông bà ngoại, bố mẹ, rồi gia đình chị đều đến từ nghề sản xuất giò bột. Bởi vậy, với chị làm giò bột không đơn thuần vì mưu sinh mà còn là để lưu giữ nghề truyền thống của cha ông.

Mặc dù được truyền nghề từ rất sớm nhưng việc đồng áng cùng với đảm nhận trọng trách Trưởng thôn Ngoại Xuân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Ngoại Xuân nên những năm trước, làm giò bột với chị Bình chỉ là nghề phụ. Mãi đến năm 2012 chị mới dành hết công sức, toàn tâm toàn ý cho nghề "ruột" của gia đình.

Để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo mùi vị đặc trưng, chị dành cả sự đam mê, tâm huyết của mình từ khâu chọn nguyên liệu, cách chế biến đến bảo quản sản phẩm.

Theo chị Bình, nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng nhất, thịt lợn (thịt mông, ba chỉ, nách, vai) phải là thịt tươi còn nóng ấm. Điều đặc biệt, cơ sở Long Bình chỉ sản xuất bằng nguyên liệu lợn nuôi (đặt hàng cho bà con trong vùng), không sử dụng thịt lợn ngoài thị trường.

Mặt khác, thịt phải được lọc bỏ gân; nước mắm ướp phải là loại ngon; bột gạo là loại gạo được tuyển chọn trên các đồng ruộng của Đức Thọ. Như vậy, miếng giò mới có độ đàn hồi, có hương vị đặc trưng.

Quy trình làm ra một con giò bột đúng vị phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn thịt, sơ chế nguyên liệu, tẩm ướp gia vị đến xay thịt, gói, luộc... rất công phu và tỉ mẩn. Thịt sau khi xay nhuyễn sẽ được trộn đều với bột gạo theo tỷ lệ 1kg thịt/0,5 kg bột và tẩm ướp với các loại gia vị.

Bí kíp” tạo nên thương hiệu giò Long Bình còn nhờ vào công đoạn luộc giò. Để giò chín đều, không bị mềm đòi hỏi người làm phải căn đúng thời gian. Thời gian luộc giò mất từ 3 - 3,5 tiếng, nếu luộc lâu quá sẽ khiến giò bị căng, dẫn đến bung lá và làm mất hương vị.

Giò sau khi luộc được để nguội và cho vào tủ lạnh bảo quản. Giò bột Long Bình không có chất tạo màu, tạo mùi và chất bảo quản nên thời gian sử dụng tối đa là 10 ngày" - chị Phạm Thị Bình cho hay.

Thường xuyên sử dụng giò bột Long Bình, chị Trần Thị Tình (xã An Dũng, Đức Thọ) cho biết: “Giò bột Long Bình ăn đậm vị, rất thơm ngon. Không chỉ gia đình tôi mà một số người thân của tôi đều thích, đặc biệt là bà con họ hàng ở khu vực Tây Nguyên thường nhờ tôi đặt hàng".

Qua đánh giá của nhiều khách hàng, giò bột Long Bình có màu sắc tự nhiên, mang hương vị đặc trưng, hòa quyện giữa thịt tươi, bột gạo và gia vị nên rất hấp dẫn người tiêu dùng, được sử dụng nhiều trong lễ, tết, đám cưới...

Sau 10 năm làm nghề gia truyền bằng cách làm thủ công, đầu năm 2022, chị Phạm Thị Bình đầu tư hơn 600 triệu đồng mở rộng cơ sở sản xuất, mua máy hấp, máy xay, tủ bảo quản... để nâng tầm sản phẩm đạt các tiêu chí OCOP 3 sao.

Nhờ đầu tư bài bản, chất lượng nên sau khoảng thời gian ngắn, sản lượng giò bột Long Bình tăng từ 50 con giò bột (loại 1 kg/con) lên 80 con/ngày. Với giá bán 120.000 đồng/kg, mỗi tháng doanh thu của cơ sở đạt gần 300 triệu đồng. Cơ sở còn tạo thêm việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Tháng 2/2023, giò bột Long Bình đạt giải tiềm năng tại Cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh sáng tạo, khởi nghiệp” và được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào tháng 5/2023. Đến nay, giò bột Long Bình đã có mặt tại các đại lý lớn ở TP Hà Nội, TP HCM, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông...

Bình luận