Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối hàng hóa quan trọng. Với tốc độ tăng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử, nổi bật như: Hội nghị thương mại điện tử OCOP; hội nghị kết nối cung cầu và thương mại điện tử; hội nghị kết nối thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng.
Các chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba được triển khai. Thông qua đó, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới.