Thúc đẩy sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch thương mại

Bình luận · 187 Lượt xem

Trong thời đại công nghệ số, sử dụng hợp đồng điện tử (HĐĐT) đang trở nên phổ biến trong các giao dịch thương mại, nhất là thương mại điện tử (TMĐT). Lý do bởi sử dụng hợp đồng này có nhiều ưu việt, tạo môi trư??

Số hóa” hợp đồng thương mại là xu thế tất yếu

 

Mỗi năm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) xuất bán hàng nghìn tấn nông sản tươi, chế biến ra thị trường trong nước và một số nước, khu vực như: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU… Để tạo thuận lợi cho việc sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, Công ty thường xuyên phải thực hiện các hợp đồng thương mại với khách hàng. 

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Do cách xa về địa lý, nhất là thời điểm Bắc Giang bùng phát dịch Covid-19 nên từ năm 2020 trở lại đây DN đã chọn phương thức hợp tác sản xuất bằng hình thức HĐĐT”. Theo ông Hưng, sử dụng HĐĐT mang lại nhiều lợi ích cho DN như: Tiện lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian, nâng cao hiệu suất. 

 

Đối với hợp đồng giấy phải đợi giám đốc hoặc lãnh đạo có mặt để ký trình; với HĐĐT, lãnh đạo đơn vị, DN không phải đến trụ sở, đi công tác hay ở bất cứ đâu vẫn có thể phê duyệt, ký kết hợp đồng giao dịch trên các thiết bị điện tử như: Máy tính, điện thoại thông minh, laptop,… Vì thế, so với hợp đồng giấy, mỗi HĐĐT có thể tiết kiệm được từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, bao gồm tiền giấy, đi lại, ăn, nghỉ, đón tiếp khách…

 

Theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005, HĐĐT là dạng hợp đồng được thiết lập trên nền tảng công nghệ số. Các thông tin trên hợp đồng được tạo ra, gửi đi, nhận lại và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, như công nghệ điện tử, kỹ thuật số...

 

Hiện một số DN khác trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam Chi nhánh Bắc Giang (VNPT Bắc Giang), Công ty Điện lực Bắc Giang... đã thực hiện ký kết HĐĐT khi hợp tác kinh doanh với các đơn vị trong ngành. Theo VNPT Bắc Giang, đơn vị này đang đàm phán với Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang để cung cấp dịch vụ chứng thực HĐĐT nhằm triển khai việc mua bán nước sạch với khách hàng theo hình thức HĐĐT.

 

Về nội dung này, đại diện Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương khẳng định: HĐĐT ngày càng được nhiều DN lựa chọn là xu thế tất yếu. Bởi nó mang lại nhiều lợi ích hơn so với hợp đồng truyền thống. Cụ thể, ngoài tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức, tối ưu lợi nhuận, HĐĐT còn có ưu điểm là linh hoạt, minh bạch, tạo môi trường điều hành chuyên nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường. 

 

Các điều khoản, nội dung giao dịch đều được xác lập trên hợp đồng online, công khai với các bên; lịch sử chỉnh sửa, cập nhật nội dung được lưu lại, các bên tham gia giao dịch đều có thể xem chi tiết. Vì thế nếu xảy ra tranh chấp giữa các bên tham gia giao dịch thì việc giải quyết sẽ kịp thời, thuận lợi hơn. 

 

Ngoài ra, thực hiện các giao dịch thương mại bằng HĐĐT còn giải quyết các rào cản về địa lý, dịch bệnh, thời tiết, góp phần thúc đẩy phát triển giao thương trong nước và quốc tế; tạo thuận lợi cho việc lưu trữ khoa học, giúp việc tìm kiếm nhanh hơn. Đặc biệt, khi thực hiện giao dịch bằng HĐĐT, các bên thứ ba như: Ngân hàng, các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng xác minh giá trị bản gốc của hợp đồng, hạn chế chứng từ giả, chứng từ khống, tránh thất thu thuế.

 

Nhân rộng sử dụng HĐĐT

 

Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005, để có thể sử dụng HĐĐT, các bên tham gia bắt buộc phải tuân thủ quy định mà pháp luật đề ra. Tuy là hợp đồng được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu, nhưng nó vẫn có giá trị pháp lý tương tự như hợp đồng giấy truyền thống. 

Theo đó, có ít nhất ba bên tham gia vào quá trình ký hợp đồng. Ngoài hai bên chủ thể (là bên bán và bên mua) thì HĐĐT còn có chủ thể thứ ba, đứng giữa hai chủ thể kia. Bên thứ ba có thể là các cơ quan chứng thực chữ ký số (CKS) hoặc nhà cung cấp mạng. Bên thứ ba không tham gia vào quá trình ký hợp đồng, chỉ bảo đảm tính hiệu quả, giá trị pháp lý của HĐĐT.

 

Dù việc sử dụng HĐĐT đang là xu hướng trong các giao dịch TMĐT, nhưng nhiều DN tại Bắc Giang vẫn chưa sẵn sàng tham gia. Ví như trường hợp Công ty TNHH Hero Green, Cụm công nghiệp Đại Lâm (Lạng Giang). Theo lãnh đạo DN này, đơn vị chủ yếu sản xuất gia công cho các đối tác trong nước nên vẫn sử dụng hợp đồng giấy truyền thống vì nghi ngại tính bảo mật của HĐĐT.

 

Theo cơ quan chuyên môn, HĐĐT có nhiều ưu điểm, song vẫn còn một số nhược điểm dẫn đến khó triển khai trong các DN, tổ chức như: Việc hoạt động trên môi trường số hóa có thể dẫn đến các nguy cơ không an toàn về bảo mật thông tin, dễ bị hacker tấn công dữ liệu và đánh cắp thông tin hợp đồng, tài khoản CKS để thực hiện mục đích xấu. 

 

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thông tin, viễn thông còn yếu. Hành lang pháp lý điều chỉnh, giải quyết tranh chấp trong thực hiện giao dịch điện tử còn thiếu... Bên cạnh đó, hầu hết người dân chưa có CKS nên việc thiết lập HĐĐT với các bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ khó thực hiện.

 

Để khắc phục những hạn chế, nhân rộng việc sử dụng HĐĐT, ông Phạm Văn Tuyển, Giám đốc Khách hàng tổ chức DN VNPT Bắc Giang cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền về tính ưu việt của HĐĐT. Nhà nước cần sớm bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN vừa và nhỏ mua các giải pháp chuyển đổi số; hỗ trợ chuyển đổi số và đưa nội dung sử dụng HĐĐT vào bộ tiêu chí chấm điểm chuyển đổi số trong các DN, tổ chức. Tuyên truyền, vận động hộ gia đình, cá nhân tham gia sử dụng CKS... 

 

Ông Tuyển thông tin thêm: “Thời gian tới, VNPT Bắc Giang sẽ phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội thảo tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc sử dụng HĐĐT trong TMĐT. Mục đích nhằm thúc đẩy việc sử dụng HĐĐT trong các DN, tổ chức, cơ quan nhà nước và cả người dân, góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh”

Bình luận