Kiến nghị Chính phủ tăng thu mua dự trữ lúa gạo, tránh nguy cơ thương lái ép giá, trục lợi

Bình luận · 194 Lượt xem

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ hè thu, nhưng giá lúa giảm sâu do thương lái giảm hoặc ngừng thu mua. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ tăng thu mua dự trữ lúa gạo...

Tại cuộc họp trực tuyến về hoạt động của các Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam – Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ ở phía Nam đề xuất Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa Hè Thu để nông dân yên tâm cũng như kích cầu sản xuất vụ Thu Đông. 

 

NÔNG DÂN ĐANG "LƯỠNG LỰ" VÌ GIÁ LÚA GIẢM

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng, cho biết tổng diện tích trồng lúa toàn vùng Nam bộ vụ Hè Thu 2021 là 1,599 triệu ha; năng suất ước đạt 56,51 tạ/ha. Dự kiến, sản lượng thu hoạch vụ lúa hè thu toàn vùng ước đạt 9,036 triệu tấn, tăng 120 nghìn tấn so với hè thu 2020.

 

Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1,515 triệu ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 8,584 triệu tấn, tăng 124 nghìn tấn. Vụ Thu Đông 2021 vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 700 nghìn ha, dự báo sẽ thu hoạch sản lượng khoảng 3,864 triệu tấn. lúa.

 

Đến nay, vụ lúa Hè Thu mới thu hoạch được khoảng 600.000 ha, còn khoảng 900.000 ha sẽ thu hoạch trong tháng 8, tháng 9 - đây cũng là thời điểm có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, so với vụ trước, hiện giá lúa giảm 500 đồng/kg. Sản xuất lúa năm nay, hầu hết giá các khâu chi phí đầu vào đều tăng, nhất là vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu.

 

Chỉ riêng mặt hàng phân bón, đã trở thành gánh nặng đối với người trồng lúa. Ngay sau khi kết thúc vụ lúa đông xuân, nhiều mặt hàng phân bón đều tăng thêm bình quân 200 ngàn đồng/bao (50kg). Thậm chí với mặt hàng phân URE, mức tăng cao hơn, ở vụ Đông Xuân chỉ hơn 300 ngàn đồng/bao, nhưng hiện giờ đã lên đến 550 ngàn đồng/bao.

 

Với mức bón bình quân 50kg/công (1.000m2), thì mỗi công lúa bị mất thêm 200 nghìn đồng so với vụ trước. Với giá bán hiện nay, sau 3 tháng chăm sóc, nông dân chỉ hòa vốn, mất trắng công sức lao động.

 

Lý giải nguyên nhân khiến giá lúa hè thu giảm, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (huyện Thủ Thừa, Long An), cho biết là do chuỗi thu hoạch, chế biến lúa gạo đang bị đứt gãy.

 

"Khi lúa hè thu vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng rất lớn, trong điều kiện bình thường, toàn bộ hệ thống máy gặt, ghe thu mua, lò sấy,... vào cuộc hết công suất thì sẽ thu mua hết. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 hiện chuỗi này đang bị đứt gãy, ghe không vào thu mua được, thiếu lực lượng thu hoạch lúa, trong khi nhiều nhà máy chế biến lúa buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất dù đã áp dụng 3 tại chỗ", ông Hòa nêu thực tế.

 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cho biết thêm hiện vụ Hè Thu đang thu hoạch rộ, sản lượng nhiều, trong khi do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhân công để thu hoạch bị hạn chế, dễ dẫn đến tình trạng thương lái ép giá nông dân.

 

Hiện tại, giá lúa hè thu cũng đang giảm. Đến thời điểm này, khó khăn về lao động trong thu hoạch lúa Hè Thu đã giải quyết được phần nào, nhưng đến lúc thu hoạch thì không có thương lái đi mua.

 

Nông dân thu hoạch xong không biết tiêu thụ ra sao và đây là vấn đề rất nan giải. Trong khi đang một số nơi đã bắt đầu gieo sạ vụ Thu Đông nhưng do giá lúa giảm, thu hoạch, chế biến khó khăn nên một số nông dân đang lưỡng lự sản xuất vụ này.

 

"Lượng lúa Hè Thu đang rất nhiều, nếu không có chính sách kịp thời, nhiều đối tượng sẽ trục lợi, nông dân là đối tượng thiệt thòi. Do vậy, Bộ trưởng cần kiến nghị Chính phủ có chính sách thu mua dự trữ lúa hè thu. Khi đó thị trường sẽ được kích cầu, giá lúa cải thiện, nông dân có động lực làm vụ lúa Thu Đông", Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất.

 

Đồng tình với đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến bổ sung hiện nay xuất khẩu gạo đang khó khăn do Covid-19, bên cạnh đó chi phí vật tư đầu vào, vận chuyển, nhân lực cũng tăng.

 

Do đó, cần thiết phải thu mua dự trữ lúa Hè Thu để kích cầu sản xuất vụ thu đông, đông xuân để đảm bảo tăng trưởng của ngành. Tuy nhiên, cách làm phải khác. Nếu như trước đây cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất ưu đãi thu mua tạm trữ, thì nay nên thay đổi theo hướng thu mua, đưa vào kho dự trữ quốc gia.

 

CHỦ ĐỘNG NGUỒN GIỐNG ĐỂ KHÔNG BỊ ĐỘNG

Theo Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện 103 trong số 449 cơ sở chế biến thủy sản ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang giãn cách xã hội đã phải đóng cửa. Một số đơn vị không đảm bảo được các biện pháp phòng dịch như "3 tại chỗ", đã gây ra hiện tượng lây nhiễm.

 

Một số tỉnh, như Tiền Giang, vừa ban hành tiêu chí hoạt động cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn. Trong đó, nếu đơn vị nào đáp ứng được "3 tại chỗ" thì mới được phép hoạt động.

 

Vì vậy, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản phía Nam đề xuất hỗ trợ lãi suất, giá điện cho các đơn vị chế biến, bảo quản nông sản, mở rộng chính sách bình ổn giá cho người lao động ở các khu công nghiệp.

 

Cần phải ổn định tâm lý cho bà con nông dân. Qua khảo sát thực tế, nhiều người dân đang lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh, khiến hàng hóa khó tiêu thụ. Một số nơi còn băn khoăn về thời điểm sản xuất vụ tới, thậm chí lo ngại về biểu hiện đầu cơ trục lợi trong tình hình dịch bệnh.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương phải đảm bảo nguồn giống cây trồng vật nuôi, vốn đang bị ách tắc nguồn giống. Theo nhận định của Thứ trưởng Trần Thanh Nam sau dịch dễ xảy ra thiếu giống, giá giống tăng cao, ảnh hưởng đến người nông dân. Do đó, cần gấp rút có một chương trình giống sát với thực tế.

 

Theo đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các Cục trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên hệ chặt với những nơi cung cấp giống. Đồng thời lưu ý, khi nhu cầu tăng đột biến, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể "rơi vào tình trạng bị động" vì không dự trù được.

 

Do đó, đề nghị soạn thảo chương trình đón đầu, nhằm tránh hiện tượng lợi ích nhóm và đảm bảo bình ổn giá cho nhu cầu sản xuất. "Chỉ một tháng nữa, khi hết giãn cách, nhu cầu tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng lên. Chúng ta không thể chạy theo mà cần chủ động ứng phó trước", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

 

Về tình hình xuất khẩu, qua khảo sát thực tế, các đơn vị tại các tỉnh, thành phố giãn cách xã hội vẫn đảm bảo các đơn đặt hàng để giữ mối lâu dài, dù hoạt động chỉ còn 30-40% công suất.

 

Nhận định trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản của các nước đang tăng lên. Do đó, chủ trương đặt ra là lưu trữ và bảo quản hàng hóa, để xuất khẩu ngay bằng đường thủy khi hết giãn cách xã hội. 

Bình luận