Kiến nghị mở luồng xanh cho đường thủy để "khơi thông" lúa gạo

Bình luận · 175 Lượt xem

Lúa gạo "tắc" đầu ra do lưu thông đình trệ; vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo từ các ngân hàng vẫn "án binh bất động" đã khiến cho người nông dân và thương nhân xuất khẩu vô cùng "bí

Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cuối tuần qua, các ý kiến đều cho rằng, lúa, gạo tồn kho nhiều do khó khăn tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19. 

 

E DÈ VỚI NHỮNG HỢP ĐỒNG MỚI

Trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu.

 

Không chỉ tắc nghẽn trong lưu thông mà việc vận chuyển lúa từ ruộng đến nhà máy cũng bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng ùn ứ lúa tươi chưa được xử lý, làm giảm chất lượng gạo.

 

Đối với những nhà máy tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ”, năng suất hoạt động giảm hẳn, chỉ duy trì từ 50% trở xuống do thiếu hụt lực lượng nhân công.

 

Các thương nhân dù đã áp dụng hình thức “1 cung đường, 2 địa điểm” cho nhà máy sản xuất, chế biến. Tuy nhiên, do bị giới hạn bởi khung giờ không được ra đường (18 giờ 00 - 6 giờ 00) nên một số hoạt động bị gián đoạn.

 

Các cảng giảm công suất hoạt động (Bến 125 tại Tân Cảng Cát Lái ngừng hoạt động gần 1 tháng nay) nên một số thương nhân phải đưa container về đóng tại kho, trên sà lan. Do đó, tiến độ giao hàng bị chậm trễ, hãng tàu phạt, chi phí tăng.

Bên cạnh đó, khâu vận chuyển từ nhà máy chế biến đến các cảng xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn. Hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Biên độ chênh lệch giá thời điểm chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn khiến các thương nhân và cả khách hàng đều gặp rủi ro lớn.

 

Do đó, tồn kho thóc gạo tại các thương nhân vẫn còn nhiều, dòng vốn cũng bị ách tắc theo và thương nhân không thể tiếp tục thu mua thóc gạo.

 

Hơn nữa, dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn số 5747/NHNN-TD đề nghị các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho doanh nghiệp nhưng thực tế hiện nay, theo các thương nhân phản ánh, các ngân hàng thương mại vẫn chưa triển khai thực hiện…

 

KHƠI THÔNG DÒNG CHẢY PHƯƠNG TIỆN CHUYÊN CHỞ

Để đảm bảo tiêu thụ kịp thời thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân, trên cơ sở thông tin, đề xuất được trao đổi tại cuộc họp, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai một số nhóm giải pháp.

 

Giải pháp cấp bách trước mặt, Bộ Công Thương đề xuất chính phủ khẩn trương nghiên cứu, mở luồng xanh cho vận tải đường thủy.

 

Với đặc thù địa hình kênh rạch chằng chịt, đa phần các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo cập bờ sông, bờ kênh, thóc, gạo sản xuất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển 95% bằng đường thuỷ.

 

Việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành, địa phương liên quan sớm xây dựng và báo cáo phương án “luồng xanh” cho vận tải đường thủy, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 nhưng giải tỏa được ách tắc hiện nay.

 

UBND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương chỉ đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực thóc, gạo nói chung và thương lái nói riêng được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng.

 

Đồng thời trao đổi và thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải xem xét, áp dụng linh hoạt các phương án, chấp nhận các xét nghiệm nhanh tại ấp/xã, đăng ký thông tin, lịch trình di chuyển với cơ quan quản lý nhà nước tại ấp/xã…

 

Đặc biệt xem xét ưu tiên phân luồng xanh (xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm dịch trên sông) cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ đồng ruộng về hệ thống nhà máy sấy vệ tinh trong khu vực gần nhất (cùng xã/huyện) để đảm bảo chất lượng thóc tồn trữ đạt yêu cầu…

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn để sớm mở lại tất cả các máng đóng rút gạo trong thời gian sớm nhất nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc container xuất khẩu gạo.

 

Cân nhắc về phí phụ thu để tạo thuận lợi cho xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 do bến này là một trong những bến chính chuyên đóng hàng gạo bằng container.

 

Giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, làm việc và yêu cầu các hãng tàu, các doanh nghiệp logistic phải công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container cũng như có sự điều chỉnh giá cước vận chuyển về mức hợp lý để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn.

Bình luận