Chưa tới 10% nông sản được chế biến đạt chất lượng quốc tế

Bình luận · 194 Lượt xem

Nông nghiệp là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên việc tổ chức sản xuất nông nghiệp nhằm tạo giá trị sản phẩm bền vững vẫn còn gặp phải các thách thức cần có sự trợ lực để tạo ra “cú hích

Nông sản Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh minh họa

Nông sản Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh minh họa

Tại Diễn đàn “Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho cả nông dân và doanh nghiệp.

 

SẢN XUẤT NÔNG SẢN CÒN BẤP BÊNH, CẠNH TRANH GAY GẮT

Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng nông sản luôn chiếm tỷ trọng khá cao, nhiều loại nông sản đã khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, chè, trái cây, rau quả… 

 

Thống kê cho thấy, đến tháng 1/2023, nông sản của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao.

 

Tuy vậy, theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%.

 

TS.Từ Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ Thái Bình Dương cho rằng một trong những khó khăn đối với nông sản là việc có rất nhiều chính sách phát triển nhưng để tiếp cận chính sách không dễ, nhất là đối với người nông dân.

Nhận xét thực trạng chuỗi cung ứng nông sản hiện nay, theo TS. Từ Minh Thiện, việc đầu tư cho sản xuất nông sản chưa có nhiều và chưa dám đầu tư mạnh vì sản xuất nông sản khá bấp bênh. Do đó, cần phải tính được tổng cầu của tất cả thị trường rồi mới ra được kế hoạch sản xuất. 

 

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ cao vẫn còn hạn chế. “Liên kết giữa các vùng, trong sản xuất nông nghiệp không tính theo địa phương, mà phải tính theo vùng nguyên liệu mà vùng nguyên liệu tính theo thổ nhưỡng”, TS. Từ Minh Thiện nhận định.

 

Đồng thời, nông sản Việt cần phải có giá cả cạnh tranh, hiện nay mặt hàng nông sản đang cạnh tranh rất mạnh trên thị trường, đặc biệt là cạnh tranh với giá của nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan…

 

“Nông sản Việt Nam cần đẩy mạnh khả năng cung cấp số lượng lớn, khả năng cung cấp thường xuyên, đúng hạn. Hiện, ngành nông nghiệp nước ta đang rất đa dạng, nhưng khả năng cung cấp số lượng lớn là chưa tốt. Do đó, cần phải có sự liên kết chặt chẽ”, TS. Từ Minh Thiện nhấn mạnh.

 

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Bùi Văn My, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn, cho biết công ty đang liên kết rất nhiều và cũng có những khó khăn như khó tìm được đơn vị sẵn sàng chia sẻ, ổn định lâu dài.

 

Cũng theo ông My, có những chính sách chưa thực sự nhất quán, chẳng hạn như việc TP.HCM cấm giết mổ thủ công nhưng các tỉnh không cấm, các doanh nghiệp mang ra ngoài mổ rồi lại mang lại TP.HCM. Do đó, các chính sách đưa ra phải cần phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới.

 

THỊ TRƯỜNG VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Để tạo ra chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, theo ông Võ Tân Thành, trước hết nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

 

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng cần có sự kết nối chặt chẽ với các thành viên khác trong chuỗi.

 

Mặt khác, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết để làm chuỗi cung ứng tốt phải có sự nhận diện về mục tiêu.

 

“Mục tiêu chính là thị trường, có thị trường mới có doanh nghiệp, có thị trường hữu cơ tự khắc sẽ có doanh nghiệp hữu cơ. Thị trường mới là yếu tố then chốt của chuỗi cung ứng”, ông Đức nhấn mạnh.

 

Theo ông Đức, nhu cầu của người tiêu dùng cũng là yếu tố rất quan trọng, phải xem xét lại thái độ, hướng tới những sản phẩm phù hợp. Thị trường nội địa cũng rất cần được quan tâm, bởi hiện nay nhu cầu thị trường nội địa là rất lớn và nếu không cẩn thận thì sẽ thành nơi tiêu thụ cho hàng nước ngoài.

 

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, cho biết một trong những mục tiêu quan trọng là phải kiểm soát được các công đoạn từ sản xuất tới chế biến rồi tới tận người tiêu dùng.

 

“Cần đẩy mạnh việc hợp tác chặt chẽ, kết nối với các vùng để làm sao hình thành một mạng lưới thực phẩm được giao lưu giữa TP.HCM và các tỉnh khác. Qua đó, TP.HCM có nông sản từ các tỉnh khác mang về tiêu thụ, ngược lại cũng có hàng đi ra tỉnh ngoài”, ông Sơn cho biết và nêu kiến nghị thời gian tới, cần một số giải pháp cụ thể, theo đó TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ về thông tin, lập các trang web cung cấp thông tin đáp ứng các yêu cầu của các bên. Đồng thời qua thông tin đó cũng dự báo được các nhu cầu của thị trường để phục vụ việc lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ.

 

Thành phố cũng sẽ có các cơ chế hỗ trợ đầu tư, thúc đẩy các thu hút đầu tư từ sơ chế đến sản xuất. Thành phố đang chuẩn bị trình hội đồng chính sách khuyến khích đầu tư, kích cầu đầu tư, thu hút doanh nghiệp tham gia, cũng như chính sách hợp tác thương mại. Việc này để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, vừa phục vụ thị trường trong nước, vừa phục vụ xuất khẩu.

Bình luận