Nông nghiệp Hà Tĩnh vượt “sóng lớn”, trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế

Bình luận · 193 Lượt xem

4 tháng đầu năm, kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga - Ukraine... Ngành nông nghiệp dù không đứng ngoài những tác động tiêu cực ấy, song đã thể hiện vai trò t

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Từ những bài học của năm 2021 về ứng phó với dịch COVID-19, ngành đã chủ động xây dựng kịch bản thực hiện “mục tiêu kép”, đảm bảo phòng dịch và không ngừng sản xuất. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương vừa tổ chức triển khai sản xuất một cách linh hoạt, vừa xây dựng các mô hình kinh tế mới, kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo an ninh lương thực và thu nhập cho người dân”.

 

Trong đại dịch, các kế hoạch sản xuất vụ đông, vụ xuân vẫn được triển khai đảm bảo diện tích, thời vụ. Khắp các địa phương, không kể nơi nhiều lợi thế hay khó khăn, chính quyền địa phương đã cùng bà con nông dân tạo giá trị kinh tế trên từng mảnh vườn, đồng ruộng, đảm bảo đời sống an sinh và giữ nhịp độ sản xuất. Nhiều nơi, chính quyền địa phương còn hỗ trợ giống, vật tư cho bà con nông dân, phát động nhiều đợt “vừa cách ly, vừa sản xuất”, kêu gọi các lực lượng, Nhân dân giúp bà con đang thực hiện cách ly y tế gieo cấy, tỉa giặm lúa đảm bảo đúng khung thời vụ, kế hoạch diện tích…

Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, từ đầu vụ (cuối năm 2021 - P.V), huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ giống ngô cho bà con nông dân sản xuất hết diện tích 1.895 ha. Bên cạnh đó, xây dựng 164 mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi từ cây ngô sinh khối bằng phương pháp ủ chua, nhằm tạo nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc, hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi bền vững trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19”.

 

Đến nay, Hương Khê có trên 35.810 con trâu, bò, 1.070 con hươu, là những vật nuôi chủ lực trong việc xây dựng các mô hình trang trại, gia trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trong khi đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”, trở thành động lực để tạo ra những bước chuyển quan trọng trên đồng ruộng trong vụ xuân 2022. Toàn tỉnh có gần 4.690 ha diện tích xây dựng theo cánh đồng lớn, một số nơi còn thực hiện chuyển đổi ruộng đất, xây dựng những cánh đồng lớn có diện tích từ 40-500 ha như: Can Lộc, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà… Các địa phương Vũ Quang, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh còn tiên phong xây dựng các mô hình sản xuất rau, củ, quả theo hướng nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp công nghệ cao…

 

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tính đến nay, sản xuất vụ đông giành thắng lợi toàn diện với diện tích các loại cây trồng là 12.432 ha, đạt 109,7% kế hoạch (KH); thu về gần 114.000 tấn sản lượng (gồm ngô lấy hạt, ngô sinh khối; rau các loại và khoai lang). Vụ xuân 2022, toàn tỉnh hoàn thành gieo cấy 59.872 ha lúa, đạt 100,5% KH và tăng 394 ha so với vụ xuân 2021; 21.313 ha cây trồng cạn (đạt trên 90,7% KH); trồng mới 142 ha cây ăn quả có múi, đưa tổng diện tích cam lên 7.476 ha, bưởi lên 3.949 ha. Hiện nay, các loại cây trồng sinh trưởng phát triển tốt; cây lúa bước vào giai đoạn trổ bông.

Tổng đàn chăn nuôi đều phát triển cao hơn so với cùng kỳ với 408.000 con lợn; 169.000 con bò; 37.700 con hươu và hơn 10.100 con gia cầm. Tổng sản lượng thịt hơi trong quý I/2022 đạt 30.500 tấn, bằng 103,5% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy hải sản đầu năm với những chỉ số tăng trưởng dương, sự trở lại của các đội tàu thuyền vươn khơi bám biển đã tạo nên khí thế sản xuất mới, tươi sáng hơn cho bức tranh nông nghiệp Hà Tĩnh.

Bình luận