Hiệu quả dồn điền, đổi thửa ở Quảng Ngãi

Bình luận · 864 Lượt xem

Những năm qua, công tác “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được triển khai rộng khắp tại các huyện đồng bằng. Hoạt động này góp phần quan trọng trong việc thực hiện đề án

Việc hình thành cánh đồng lớn giúp nông dân Quảng Ngãi đưa máy móc vào sản xuất, giảm chi phí khâu thu hoạch lúa.
Việc hình thành cánh đồng lớn giúp nông dân Quảng Ngãi đưa máy móc vào sản xuất, giảm chi phí khâu thu hoạch lúa.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, trước đây, việc giao đất nông nghiệp cho các hộ dân sản xuất trên toàn tỉnh được thực hiện theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ với phương châm có gần, có xa, có tốt, có xấu; số lượng đất nông nghiệp của hộ nhiều hay ít phụ thuộc vào số nhân khẩu của mỗi hộ và diện tích đất nông nghiệp của từng địa phương. Do đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khiến cho việc tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, khó áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và thực hiện cơ giới hóa, không tạo được quy mô sản xuất lớn, hàng hóa đồng đều, gây phức tạp cho quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và tăng chi phí sản xuất.

Để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp điều kiện đất đai, lợi thế canh tác từng địa phương (vùng sản xuất lúa, mía, sắn, cây rau đậu các loại), tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp. Thông qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, kênh, mương nội đồng; tạo thuận lợi để các hộ nông dân có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2013 đến cuối năm 2020 có 69 xã thuộc bảy huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, thực hiện hơn 263 cánh đồng với tổng diện tích hơn 7.609 ha, với nhu cầu kinh phí hơn 186,3 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí tỉnh đã cấp hơn 109,9 tỷ đồng, các huyện và xã hơn 76,4 tỷ đồng.

Sau nhiều năm thực hiện, công tác dồn điền, đổi thửa ở Quảng Ngãi đã mang lại những hiệu quả. Cụ thể, kết quả dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện cho người dân thực hiện tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và thực hiện quy hoạch nông thôn mới trên toàn tỉnh. Việc thực hiện dồn điền, đổi thửa đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, giúp hình thành vùng sản xuất tập trung phù hợp điều kiện của từng địa phương. Bình quân sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, mỗi hộ giảm còn 1-2 thửa/hộ (trước khi dồn điền, đổi thửa bình quân có từ 3-4 thửa/hộ), tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ giới hóa khi làm đất, thu hoạch, giảm chi phí đầu tư trong sản xuất, nhưng năng suất lúa vẫn tăng bình quân từ 5-10%/ha.

“Hiệu quả của dồn điền, đổi thửa mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhất là trong việc quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, bố trí lại sản xuất gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Đáng chú ý, hiệu quả về kinh tế tăng khá rõ rệt so với trước đây, ước tính tăng khoảng 30-40% giá trị”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương đánh giá.

Đạt hiệu quả bước đầu song quá trình thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa vẫn còn nhiều khó khăn như: nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho công tác dồn điền, đổi thửa chưa kịp thời, phần kinh phí thực hiện hằng năm của tỉnh chưa giao cụ thể trên cơ sở chỉ tiêu diện tích, chỉ giao tổng kinh phí hỗ trợ, cho nên các địa phương chưa chủ động triển khai xây dựng kế hoạch bảo đảm theo nhu cầu vốn. Do đó, các địa phương thực hiện theo yêu cầu thực tế không cân đối nguồn vốn tỉnh giao dẫn đến nợ đọng. Đồng thời, trong quá trình thực hiện có sự tách biệt, chưa gắn kết giữa thực hiện dồn điền, đổi thửa với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện, xã và đề án xây dựng nông thôn mới của xã. Do vậy, chưa vận dụng kết hợp được nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới vào thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa; chưa gắn việc quy hoạch sản xuất trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, kết nối các cánh đồng lân cận để phát huy hiệu quả công trình; sau khi dồn điền, đổi thửa vẫn chưa có sự liên kết trong sản xuất để tìm đầu ra ổn định cho nông sản.

 

Chính những khó khăn nêu trên dẫn đến diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa ở Quảng Ngãi vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 20,9% so với diện tích thực tế canh tác và thực hiện chủ yếu tập trung trên đất trồng lúa tại các huyện đồng bằng.

Xác định vai trò của việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là hết sức cần thiết, cuối tháng 7 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đối với đất nông nghiệp trồng cây hằng năm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% cho công tác đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa. Đối với kinh phí hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng và lập hồ sơ thiết kế, dự toán, xây dựng phương án: ngân sách cấp tỉnh 30%, ngân sách cấp huyện 60% và ngân sách cấp xã 10%.

Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, việc dồn điền, đổi thửa là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm xây dựng nông thôn mới, tạo mặt bằng liên vùng với các xứ đồng chung quanh, bố trí lại hệ thống kênh tưới, tiêu, bờ vùng, bờ thửa một cách hợp lý, khoa học, đáp ứng yêu cầu đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng quy vùng sản xuất hàng hóa. Do vậy, trước khi chuyển sang thực hiện giai đoạn mới của chính sách hỗ trợ, yêu cầu các địa phương cần giải quyết dứt điểm vấn đề nợ đọng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân, đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm hằng năm để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, hạn chế, tồn đọng như giai đoạn vừa qua.

“Mục tiêu đặt ra là phải thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi, dồn ghép tích tụ ruộng đất để có ô thửa lớn, liền vùng, liền thửa, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, tiết kiệm công sức, chi phí trong sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, thâm canh tăng năng suất, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đưa cơ giới vào nông nghiệp, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân, tăng hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm việc sử dụng đất một cách có hiệu quả và bền vững”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh

Bình luận