Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường (thứ tư, từ trái sang) kiểm tra công tác lập kế hoạch ở thực địa. |
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đã trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân về những kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Phóng viên: Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, Tỉnh ủy Bình Phước đã cụ thể hóa như thế nào để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thật sự là kim chỉ nam cho sự phát triển của tỉnh, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Nửa đầu nhiệm kỳ là thời gian khó khăn, thách thức lớn nhất, nhưng Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã tập trung cao độ tinh thần và trách nhiệm để chỉ đạo toàn diện, sâu sắc, đã đạt kết quả tích cực, có nhiều mặt nổi trội. Đó là đổi mới tư duy về cách tiếp cận, nhìn nhận lại vị thế và lợi thế so sánh của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chính sách bảo đảm khoa học, phù hợp điều kiện, tình hình thực tế; lề lối và phương thức làm việc ngày càng chặt chẽ, đúng quy định, hiệu quả; kịp thời chấn chỉnh và giải quyết những tồn tại để tiếp tục đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Trên cơ sở đánh giá tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, cập nhật các chủ trương, định hướng mới của Trung ương, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11.
Trong đó, đề ra thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm, bốn nhiệm vụ ưu tiên, ba chương trình đột phá và 15 chỉ tiêu cơ bản; thành lập 13 Ban chủ nhiệm các chương trình để triển khai thực hiện và thành lập Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành 58 chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội.
Cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kết cấu hạ tầng, triển khai các dự án giao thông trọng điểm; cho chủ trương định hướng phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, khai khoáng, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển thương mại, dịch vụ, xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh thương mại điện tử, phát triển tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu của tỉnh.
Chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, trồng cây ăn trái, cây lấy gỗ, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản sau thu hoạch và nâng cao quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cho chủ trương về lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, cho chủ trương định hướng về: sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, cho chủ trương về thu-chi tài chính, ngân sách, đầu tư công trung hạn 2021-2025 và hằng năm; định hướng nội dung chương trình hợp tác phát triển với các tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để thu hút đầu tư trên các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp-thương mại, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, dự án khu công nghiệp...
Phóng viên: Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11 đã đề ra ba chương trình đột phá nhằm phát huy các lợi thế chiến lược trong xu hướng dịch chuyển và lan tỏa của vùng để đưa tỉnh Bình Phước từ vị trí “dự trữ” trở thành một “động lực” tăng trưởng và phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, sự lan tỏa của địa phương kết nối với Tây Nguyên. Xin đồng chí cho biết những kết quả bước đầu đạt được?
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra ba chương trình đột phá chiến lược, tạo bước chuyển và nền tảng tốt hơn cho phát triển giai đoạn tới. Đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng; đột phá trong cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đột phá trong phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, đột phá kết cấu hạ tầng được tỉnh đặt lên hàng đầu, đây được xem là “chìa khóa” mở ra cánh cửa để Bình Phước kết nối với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các nước trong khu vực.
Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng các lĩnh vực: giao thông, đô thị, công nghiệp, thương mại và hạ tầng xã hội... được quy hoạch đồng bộ, bài bản và tổ chức không gian phát triển theo ba vùng động lực và ba trục phát triển, được tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là cơ sở quan trọng tạo điều kiện cho tỉnh khai thác lợi thế, phát triển nhanh trong thời gian tới. Về kết cấu hạ tầng giao thông, trọng điểm là hai dự án mà tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục để chuyển sang giai đoạn đầu tư, đó là, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; đường cao tốc bắc-nam phía tây, đoạn Đắk Nông-Chơn Thành. Bên cạnh đó, tỉnh đang chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án đường Đồng Phú-Bình Dương. Các dự án trọng điểm sẽ cơ bản hoàn thành bộ khung hệ thống giao thông kết nối các vùng, các địa phương trong tỉnh tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa, giao thông, khai thác tiềm năng phát triển cho các khu vực trong tỉnh.
Về hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp: Đã được tích hợp trong quy hoạch tỉnh đến năm 2025, sẽ có: 22 khu công nghiệp với tổng diện tích 7.584 ha; một khu kinh tế với diện tích 25.864 ha. Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ này tỉnh xin chủ trương xây dựng 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.827 ha, phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh; dự kiến hình thành ít nhất ba cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản hạt điều, tiêu, cà-phê, trái cây.
Công tác cải cách thủ tục hành chính được các ngành, các cấp quan tâm rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết, công khai, minh bạch, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các thủ tục liên quan đến người dân.
Hiện nay, tỉnh có 1.432 thủ tục kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng đầu so với cả nước và xếp hạng tám trong số 63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hoạt động chuyển đổi số được đẩy mạnh toàn diện; chính quyền số được triển khai thông qua việc hiện đại hóa hoạt động hành chính, ứng dụng chữ ký số, sử dụng văn bản điện tử, họp không giấy, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2022, Bình Phước được xếp hạng chín trong số 63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số.
Phóng viên: Trong nửa đầu nhiệm kỳ, trước tác động của đại dịch Covid-19; tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của Bình Phước. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và linh hoạt, Bình Phước đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Xin đồng chí cho biết những điểm nhấn của sự phát triển ấy trong thời gian vừa qua?
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Với sự định hướng đúng của Tỉnh ủy, các nghị quyết chuyên đề ban hành kịp thời, sát với thực tế, phát huy được thế mạnh đã giúp Bình Phước phát triển trên tất cả các mặt: Chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 7,92%; sáu tháng đầu năm 2023 tăng trưởng cao nhất so với vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 14 cả nước; GRDP bình quân đầu người đến hết năm 2023 ước đạt 93,2 triệu đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục tăng cao qua các năm (năm 2021 tăng 15%, năm 2022 tăng 23,08%). Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 4.150 triệu USD, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 đạt 11,78%.
Nhìn chung, trong các năm qua, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Sáu tháng đầu năm 2023, Bình Phước thu hút được 15 dự án FDI, trong đó có một dự án vốn đăng ký lên đến 500 triệu USD, đưa Bình Phước vào tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra; do đó, trong nửa cuối nhiệm kỳ, Bình Phước đề ra các nhóm giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, phát huy các thế mạnh của tỉnh. Đó là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược của tỉnh, nhằm đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người; tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách; đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường thu hút đầu tư bảo đảm đạt chỉ tiêu đề ra.
Tiếp tục các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tập trung cho các ngành, lĩnh vực có điều kiện phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao và thiết thực để hỗ trợ các chỉ tiêu khó đạt. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công các dự án, công trình trọng điểm; xúc tiến đầu tư, chú trọng đầu tư FDI. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, về thủ tục đầu tư) để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, hiệu quả. Chỉ đạo quyết liệt các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần ổn định và mở rộng sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, cả trong nước và xuất khẩu.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! ■