Chia sẻ trên được tiến sĩ Đỗ Thị Mai Liên, chuyên gia của Viện Sáng kiến Việt Nam đưa ra, khi nói về phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Là một người công tác ở Thái Lan nhiều năm, theo tiến sĩ Đỗ Mai Liên, Thái Lan họ đã làm rất bài bản trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó Chính phủ chỉ giữ vai trò định hướng, doanh nghiệp là người chủ động.
Cụ thể, Chính phủ có sự cam kết lâu dài, hướng dẫn người dân truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong khi đó, doanh nghiệp và người nông dân cam kết sản xuất sản phẩm theo quy trình quốc tế.
Nhìn chung, vấn đề phát triển nông nghiệp quan trọng là truy xuất nguồn gốc và Thái Lan họ làm rất tốt, đồng thời truyền thông ra cho cả thế giới biết cách của nước này thực hiện để tạo niềm tin và sự minh bạch.
Tiến sĩ Đỗ Thị Mai Liên phân tích, sản xuất nông nghiệp thực chất chỉ chiếm khoảng 15% giá trị, còn lại các khâu khác như chế biến, đóng gói và vận chuyển mới đóng vai trò quan trọng.
Thái Lan hiện có 10.000 doanh nghiệp tinh nhuệ chỉ tập trung chế biến nông sản và ngành thực phẩm chiếm tới 23% GDP của nước này, đây là một ngành rất mạnh và đứng thứ 2 tại châu Á.
Đáng chú ý, trong ngành thực phẩm, doanh nghiệp đầu tư gần như toàn bộ và họ tiến hành từ bước nghiên cứu đến ứng dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Chẳng hạn như Tập đoàn CP, để làm ra một bát cơm đông lạnh, khi sấy lên như cơm nấu, họ đã phải thử rất nhiều công thức và đến khi sản phẩm ra đời phải áp dụng rất nhiều kỹ thuật. Tất nhiên với những khâu này chỉ có doanh nghiệp làm được và Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng.
Tại Thái Lan, nếu doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt ứng dụng các công nghệ mới như blockchain, AI… sẽ được miễn thuế lên tới 13 năm, việc này không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp trong nước, mà kể cả nước ngoài đem công nghệ cao vào cũng sẽ được nhận ưu đãi này.
Ở khâu nghiên cứu, Chính phủ sẽ xây dựng các trung tâm và doanh nghiệp sẽ tự vào đó thực hiện các nghiên cứu cũng như ứng dụng công nghệ vào sản phẩm của mình cho đến khi thành công tạo ra giá trị thực tiễn sẽ được miễn thuế, các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực này đều tham gia.
Theo tiến sĩ Đỗ Thị Mai Liên, Việt Nam muốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cần phải thay đổi tư duy, tiếp cận thị trường một cách mạnh mẽ hơn. Lợi thế của Việt Nam đối với nông nghiệp công nghệ cao là chi phí rẻ hơn Thái, bên cạnh đó đồ ăn Việt cũng nổi tiếng trên thế giới, tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, điểm yếu của nông nghiệp Việt là chưa biết xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường nhanh và chủ động. Chẳng hạn, để có một nền công nghiệp chế biến thực phẩm hàng đầu hiện nay, Thái Lan đã tiến hành nghiên cứu thị trường trước so với nhiều nước khác, họ hiểu tâm lý người phụ nữ trong xã hội hiện đại sẽ ít tập trung vào nội trợ hơn.
Đồng thời xác định thị trường lương thực thực phẩm rất rộng lớn, dự báo của các tổ chức trên thế giới là đến năm 2050 có thêm 1,65 tỷ dân sử dụng, nhu cầu cao và yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi nhanh chóng. Họ vận hành theo kinh tế thị trường để người tiêu dùng và nhà sản xuất tự đối thoại, quyết định sẽ cần gì, mức giá bao nhiêu, để thị trường phát triển một cách tự nhiên nhất
Theo vị tiến sĩ này, Việt Nam cần phải đầu tư mạnh vào nghiên cứu (R&D) hơn nữa, chẳng hạn cùng một trái dừa nhưng Việt Nam chỉ làm kẹo, bán nước giải khát, còn tại Thái Lanì họ còn làm ra các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, tranh ảnh… tận dụng hết các thành phần mà cây dừa mang lại.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải có doanh nghiệp đầu ngành, xây dựng các chính sách bảo hộ, bởi ngành kinh tế nào cũng cần các doanh nghiệp dẫn đầu để chèo lái nền kinh tế. Tại Thái Lan, họ thu hút được đầu tư nước ngoài nhờ các doanh nghiệp lớn đầu ngành, còn ở Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp nào có tầm như vậy.
Cuối cùng Việt Nam cũng cần ứng dụng nhanh các công nghệ mới như dùng máy bay không người lái để tưới cây, blockchain để truy xuất nguồn gốc hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân loại sản phẩm và áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất… như thế mới có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Khi PV VietNamNet thắc mắc về việc nếu đầu tư nhiều vào công nghệ thì ở Việt Nam gặp tình trạng giá đầu ra sản phẩm đến người tiêu dùng tăng lên do doanh nghiệp đầu tư nhiều chi phí đầu vào, tại sao Thái Lan lại không thế.
Trả lời vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Thị Mai Liên cho biết, để làm được như vậy phải có một quá trình lâu dài, tại Thái Lan họ đã đầu tư cho nông nghiệp trong 60 năm qua, kiên trì bền bỉ với định hướng đưa ra, nên ở đây chính sách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lâu dài ngành này.