Gà lỡ là gà gì, nuôi thế nào, ai mua mà một nông dân Bình Phước hễ nói bán là hết sạch chuồng?

Bình luận · 877 Lượt xem

Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi gà thịt thương phẩm nhưng thấy giá cả bấp bênh, độ an toàn không cao, khoảng 5 tháng trở lại đây, chị Đặng Thị Bé ở ấp Suối Binh, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) chuyển san

Nuôi gà lỡ (nuôi úm gà con) là mô hình mới với nhiều ưu điểm vượt trội, đầu ra ổn định, đặc biệt là giải quyết được nhu cầu giống gà lỡ cho nhiều nông hộ nuôi thả vườn đạt hiệu quả cao.

Trang trại nuôi gà của gia đình chị Bé có diện tích khoảng 5 sào đất, với 5 chuồng nuôi. Trước đây, gia đình chị nuôi theo chuỗi từ úm gà con mới nở cho đến khi gà lớn xuất bán thịt thương phẩm. 

Tuy nhiên, những năm gần đây mô hình này xuất hiện nhiều rủi ro, các chi phí đi kèm tăng cao nên chị chuyển sang nuôi gà lỡ xuất bán với nhiều ưu điểm vượt trội. 

Đó là nuôi gà lỡ đầu tư ít vốn, chi phí chăn nuôi thấp, nhanh xuất bán, ít dịch bệnh, độ an toàn cao. Đặc biệt, nuôi gà lỡ không phải lo đầu ra, ngoài được nhiều nông hộ đến tận nơi mua về nuôi, các thương lái nhập về bán dạo thì số còn lại đều được công ty đối tác bao tiêu 100% cung cấp cho doanh nghiệp nuôi theo quy mô lớn.

Chị Bé cho biết, nuôi gà thịt, sau khi xuất chuồng cần ít nhất 15 ngày để sát trùng, vệ sinh chuồng, dụng cụ chăn nuôi, vườn chăn thả trước khi đưa đàn gà mới vào nuôi. 

Còn đối với gà con nuôi úm lỡ sau khi xuất chuồng chỉ cần 3-5 ngày có thể thả lứa mới. Bởi vậy, trại gà của gia đình chị Bé ít khi để trống mà luôn đủ đàn, quy mô 20.000 con/5 chuồng. 

Gà lỡ là gà gì, nuôi thế nào, ai mua mà một nông dân Bình Phước hễ nói bán là hết sạch chuồng? - Ảnh 1.

Trang trại nuôi gà lỡ của gia đình chị Đặng Thị Bé quy mô 20.000 con/5 chuồng với nhiều ưu điểm vượt trội. Mô hình nuôi gà lỡ (úm gà con) của chị Bé ở ấp Suối Binh, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước).

Đây cũng là lợi thế của việc nuôi gà úm lỡ so với gà thịt thương phẩm. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ qua các khâu vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại, đặc biệt là vào mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay.

 

“Trước khi vào úm một đàn gà mới, mình phải vệ sinh, khử độc, tiêu trùng bằng cách rắc vôi và phun thuốc sát trùng. Tiếp đến, trong quá trình úm tiêm vắc xin định kỳ theo đúng quy trình và sử dụng các loại thuốc để phòng bệnh tiêu chảy, hô hấp thường xảy ra trong mùa mưa” - chị Bé nêu giải pháp phòng dịch bệnh khi nuôi gà lỡ.

Gà con úm lỡ mà gia đình chị Bé đang nuôi là gà mía Japfa và gà chọi Japfa với chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon không kém gà ta thả vườn. Đặc biệt, sau 1 tháng nuôi úm được tiêm đầy đủ vắc xin nên gà có sức đề kháng tốt. 

Bởi vậy, khi người dân, doanh nghiệp mua về nuôi không phải lo lắng nhiều về dịch bệnh cũng như bận tâm đến việc phải tiêm các loại vắc xin. Mặt khác, gà con úm xuất chuồng có trọng lượng khoảng 300g nên có khả năng tự tìm kiếm thức ăn khi thả vào vườn, rẫy tự nhiên. Đây là những ưu điểm, phù hợp nhu cầu các nông hộ khi nuôi thả quanh vườn nhà.

Giống gà mía Japfa và gà chọi Japfa với chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon không kém gà ta thả vườn khi được nuôi lớn

Anh Hoàng Ngọc Chiến ở ấp Suối Đôi, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) chuyên mua gà lỡ về thả vườn chia sẻ: Gia đình tôi rất thích nuôi gà thả vườn nhưng không có thời gian cũng như kỹ thuật úm gà con. 

Qua tìm hiểu thì thấy trang trại ở đây có mô hình này nên mua về nuôi sẽ đảm bảo hơn. Gà đã tự tìm được thức ăn, tiêm vắc xin đầy đủ nên yên tâm, tin tưởng. Đây cũng là mô hình mới, mọi người có thể chăn nuôi và đảm bảo chất lượng khi mua về thả vườn.

Với nhiều ưu điểm vượt trội, nếu không muốn mất thời gian úm gà con giống với nhiều rủi ro thì các hộ chăn nuôi có thể mua gà úm lỡ về thả vườn. Đây là việc làm hoàn toàn có thể nhằm tạo gà thương phẩm chất lượng và tăng thu nhập.

Bình luận