An toàn dịch bệnh nhờ chăn nuôi công nghệ cao: [Bài 4] Chuyển từ nhỏ lẻ sang trang trại quy mô

Bình luận · 183 Lượt xem

Với mục tiêu giảm tỷ trọng, tăng giá trị, huyện Phú Giáo từng bước chuyển đổi mạnh mẽ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại ứng dụng công nghệ cao an toàn dịch bệnh.

Phát huy thế mạnh

Là huyện nông nghiệp, nằm phía Đông Bắc của tỉnh Bình Dương, Phú Giáo được thừa hưởng cơ sở hạ tầng vững chãi, hệ thống giao thông thông thoáng, hiện đại giúp việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra của huyện có rất nhiều thuận lợi.

 

Cùng với đó, các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao linh hoạt, dễ tiếp cận, tạo động lực để ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng thay đổi toàn diện, phát triển bền vững.

 

Theo đó, mô hình trang trại, gia trại, HTX quy mô lớn được ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ sản xuất thông minh theo tiêu chuẩn VietGAHP.

 

Các trang trại có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, chuồng nuôi, dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động, công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính, xử lý môi trường bằng công nghệ tiên tiến (CDM, biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học…) theo chuỗi giá trị từ khâu nghiên cứu chọn tạo giống, tổ chức sản xuất, nuôi trồng, chế biến, bảo quản xuất hiện ngày càng nhiều.

 

Toàn huyện Phú Giáo, hiện có 153 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó có đến 145 trại ứng dụng công nghệ cao, gia công cho các công ty như: C.P. Việt Nam, Emivest, CJ Vina Agri, Japfa Comfeed,…

 

Việc áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao giúp giảm bớt sức lực, thời gian cho người lao động; nâng cao độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí cùng với nguyên tắc “cùng vào - cùng ra” để đảm bảo an toàn sinh học.

 

Nhiều trang trại có doanh thu hàng chục tỷ động, giải quyết hàng trăm lao động tại địa phương. Có thể khẳng định, các mô hình này cũng đã góp phần đáng kể tạo nên sự thay đổi cho diện mạo nông thôn Phú Giáo.

 

Theo ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, xã hội, Phú Giáo luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, coi đây là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp đô thị hiện đại và bền vững. 

 

Qua 4 năm triển khai thực hiện kế hoạch về phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp, đến nay huyện Phú Giáo đã đạt được một số thành tựu nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Sự chuyển đổi mạnh mẽ từ quy mô nhỏ lẻ sang trang trại và việc ứng dụng công nghệ cao làm thay đổi vượt bậc trong chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn.

 

“Thực tế cho thấy, việc chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao chiếm ưu thế so với chăn nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong nông nghiệp, giá trị trong hoạt động sản xuất chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh, tạo được sự liên kết, ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương…”, ông Đồng khẳng định.

 

Giảm tỷ trọng, tăng giá trị

Ông Đoàn Văn Đồng cho biết thêm, với mục tiêu giảm tỷ trọng, tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, huyện tập trung các nguồn lực để phát triển vật nuôi chủ lực heo, bò, gà… Đồng thời, huyện cũng khuyến khích phát triển các vùng sản xuất tập trung an toàn, đa dạng hóa các loại vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện.

 

Để làm được điều đó, thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện và duy trì vùng cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm đã được Cục Thú y công nhận; quy hoạch vùng sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu gắn với các cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến công nghiệp, thị trường tiêu thụ, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.

 

Ngoài ra, thực hiện tốt việc liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, giúp người chăn nuôi tăng thu nhập.

 

Mặt khác, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh việc nghiên cứu, chọn, tạo các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng phát triển trong chăn nuôi. Ứng dụng đồng bộ công nghệ cao từ khâu sản xuất, chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

 

Đặc biệt, huyện cũng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí quảng bá sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi trên phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, kinh phí giám sát sản phẩm chuỗi định kỳ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến khâu giết mổ gia súc, gia cầm và tiêu thụ sản phẩm.

 

“Phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất trong ngành nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội là yêu cầu trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay”. Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, Đoàn Văn Đồng nhấn mạnh.

Trần Trung

Bình luận