Tiêu thụ tốt nhưng sản phẩm OCOP 'đói' nguyên liệu

Bình luận · 204 Lượt xem

Vài năm gần đây, nhiều sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đã chiếm lĩnh thị trường, nhưng còn bấp bênh do vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, không ổn định.

Nông nghiệp "thức giấc" nhờ sản phẩm OCOP 

Khởi đầu từ một xưởng sản xuất nhỏ ở một vùng quê thuần nông, sau hơn 5 năm, Hợp tác xã (HTX) Hoàng Huynh (xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) đã vươn mình, sản phẩm của HTX đã đạt chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm chính của HTX là chuối sấy khô và chuối sấy dẻo.

 

Ông Hoàng Văn Huynh, Giám đốc HTX Hoàng Huynh chia sẻ, trên địa bàn xã nguồn nguyên liệu dồi dào nên HTX mạnh dạn đầu tư chế biến. Trước đây ông Huynh chủ yếu làm thủ công, nhưng từ khi thành lập HTX, ông đã đầu tư lò sấy điện nên sản lượng, chất lượng sản phẩm tốt hơn.  

 

Hiện nay, mỗi năm HTX Hoàng Huynh tiêu thụ trên 100 tấn chuối tây cho hơn 90 hộ liên kết sản xuất trên địa bàn xã. Ngoài ra, HTX còn liên kết, thu mua sản phẩm chuối tươi của người dân để cung cấp cho đối tác. Doanh thu hàng năm từ mua bán, chế biến chuối sấy đạt hơn 700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.

 

“Có kết quả như hiện nay là nhờ HTX mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, ngoài ra, HTX cũng được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Nếu như chỉ sản xuất nhỏ lẻ sẽ khó cạnh tranh được trên thị trường”, anh Huynh chia sẻ thêm.

 

Nghệ vàng vốn là cây trồng gắn bó với nông dân tỉnh Bắc Kạn từ rất lâu, nhưng trước đây người dân chủ yếu bán củ nghệ cho tư thương từ các tỉnh khác đến thu mua. Mạnh dạn bỏ lối sản xuất cũ, năm 2017, HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP Bắc Kạn) được thành lập, ngành nghề chính là chế biến các sản phẩm từ củ nghệ vàng. Để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, HTX đã liên kết với gần 300 hộ dân tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì, Chợ Đồn và Chợ Mới trồng nghệ, tạo vùng nguyên liệu.

 

Có vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và ổn định, HTX đầu tư nhà xưởng, máy móc chế biến hiện đại. Nhờ đầu tư bài bản, đến nay, HTX Nông nghiệp Tân Thành đã vươn tầm trở thành một trong những đơn vị hàng đầu về chế biến củ nghệ vàng tại Bắc Kạn. Các dòng sản phẩm như tinh bột nghệ nếp đen, tinh bột nghệ nếp đỏ, nghệ thái lát sấy khô đã đạt chuẩn OCOP 4 sao, có mặt tại nhiều siêu thị trên toàn quốc.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành cho biết, mỗi năm HTX bao tiêu khoảng 5.000 tấn củ nghệ cho bà con. HTX đã có 20 đại lý tại các tỉnh, đã ký hợp đồng cung cấp nghệ sấy lát cho một doanh nghiệp để xuất khẩu...

 

Từ nền nông nghiệp có xuất phát điểm thấp, đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 182 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 18 sản phẩm 4 sao, 163 sản phẩm 3 sao). Riêng sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia, đã xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

 

Năm 2023, Bắc Kạn phấn đấu phát triển ít nhất 20 sản phẩm mới đạt chuẩn OCOP 3 sao, nâng cấp 4 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao và đề xuất 1 sản phẩm tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, tăng cường truyền thông, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Bắc Kạn cũng hỗ trợ các HTX đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm, đào tạo kỹ năng marketing, bán hàng trực tuyến.

 

Ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Bắc Kạn cho biết: Phần lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh đều đạt hiệu quả cao nhờ việc nâng cấp, cải tiến công nghệ trong sản xuất - chế biến, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ trên các kênh phân phối trong và ngoài nước.

 

Giai đoạn 2022 - 2025, chương trình OCOP của tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, thúc đẩy sáng tạo. Tỉnh không chủ trương phát triển nhanh số lượng sản phẩm OCOP mà tập trung khai thác những nông sản đặc hữu tạo lợi thế cạnh tranh.

 

Thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân lực chất lượng cao cho các HTX. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh hỗ trợ nguồn nhân lực cho 100 HTX có nhu cầu lao động trình độ cao để quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mỗi HTX được hỗ trợ một lần để thuê lao động có trình độ về làm việc, mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, thời hạn hỗ trợ tối đa 36 tháng.

 

Nỗi lo thiếu nguyên liệu

Thực tế cho thấy, nguyên liệu đầu vào là vấn đề sống còn đối với những doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm OCOP.

 

Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan (huyện Na Rì) cho biết, để sản phẩm miến dong của HTX đạt chuẩn 5 sao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, suốt nhiều năm qua, HTX đã gây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, an toàn.

 

“Lúc đầu chúng tôi cũng gặp nhiều gian nan khi người dân đã quen lối canh tác cũ, sử dụng nhiều phân bón hóa học, HTX phải vận động, xây dựng từng mô hình điểm sử dụng phân hữu cơ. HTX cung ứng bã miến dong cho người dân ủ làm phân để bón cho cây dong riềng. Khi người dân thấy được hiệu quả đã nhân rộng. Đến nay, HTX đã có vùng nguyên liệu hàng trăm ha sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững”, bà Hoan chia sẻ.

 

Đáng chú ý, tháng 2/2023, lần đầu tiên Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn đã cấp mã số vùng trồng cho 52 điểm trồng cây nghệ vàng với diện tích hơn 10ha tại xã Xuân La (huyện Pác Nặm). Diện tích này áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, đơn vị sử dụng mã số là HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP Bắc Kạn). Diện tích cây nghệ được cấp mã số vùng trồng là cơ sở để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong tương lai.

 

Tỉnh Bắc Kạn hiện có một số cây trồng chủ lực như cây dong riềng (khoảng 600ha), cây nghệ (khoảng 150ha), cây cam quýt (hơn 2.000ha), cây hồng không hạt (800ha)… Tuy nhiên, đa số các HTX có sản phẩm OCOP hiện nay vẫn còn thụ động trong xây dựng vùng nguyên liệu. Trong nhiều khảo sát mới đây của ngành chuyên môn cho thấy, nhiều HTX ở Bắc Kạn không đủ nguyên liệu để chế biến.

 

Ví dụ cụ thể nhất là cây dong riềng, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bắc Kạn xác định diện tích trồng dong riềng hàng năm ổn định từ 800 - 1.000ha, nhưng từ năm 2020 đến nay đều không đạt, bình quân chỉ đạt khoảng 60% kế hoạch. Nhiều nơi người dân ngán ngẩm bỏ dong riềng chuyển sang trồng cây khác. Nguyên nhân là do giá thu mua bấp bênh, nhiều năm người dân không thu hoạch do giá bán không đủ chi phí thuê nhân công

 

Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 50 cơ sở chế biến miến dong, nếu diện tích trồng dong riềng vẫn tiếp tục giảm sẽ không đủ cung cấp nguyên liệu cho chế biến.

 

Một chủ cơ sở chế biến miến dong ở xã Côn Minh (huyện Na Rì) thẳng thắng thừa nhận, vài năm gần đây, người trồng dong riềng ngày càng ít, cơ sở phải đi thu mua ở các xã khác nhưng cũng không đủ. Nhà xưởng chỉ sản xuất vài tháng rồi nghỉ.

 

Tương tự, năm 2022, sản phẩm trà hoa đu đủ đực của Tổ hợp tác nông nghiệp Quân Hà (huyện Bạch Thông) được chứng nhận OCOP 3 sao. Năm 2023, Tổ hợp tác tiếp tục đăng ký công nhận OCOP đối với sản phẩm cao tía tô. Các sản phẩm của Tổ hợp tác được tiêu thụ tốt trên thị trường, nhưng sau 3 năm thành lập, Tổ hợp tác vẫn loay hoay không thể mở rộng vùng nguyên liệu.

 

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn khai thác vùng nguyên liệu đã được cấp chỉ dẫn địa lý như gạo bao thai, hồng không hạt, chè san tuyết nhưng còn rất manh mún, diện tích rất nhỏ. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn tiêu chí hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP còn hạn chế, đây cũng chính là nguyên nhân khiến số sản phẩm nông sản xuất khẩu của tỉnh Bắc Kạn còn rất ít so với tiềm năng.

Bình luận