Tư duy kinh tế nông nghiệp là xu hướng tất yếu

Bình luận · 212 Lượt xem

Kinh tế nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây trồng và hoạt động quản lý sản xuất. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Báo Đà Nẵng ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng thành phố c??

Đổi mới khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt

 

Cùng với quá trình đô thị hóa, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Đà Nẵng chưa thực sự chuyển mình theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế… Chưa kể quy mô còn nhỏ lẻ, diện tích manh mún, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chưa cao. Nói đúng hơn, nền kinh tế nông nghiệp ở Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố.

 

Theo tôi, muốn tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, tạo giá trị kinh tế cho người dân nông thôn, Đà Nẵng bắt buộc phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cũng như chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị. Trong đó, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Bởi lẽ, ứng dụng khoa học công nghệ (như công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật…) giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Đặc biệt, với đặc thù diện tích đất nông nghiệp nhỏ và ngày càng thu hẹp, người nông dân cần hướng tới phương pháp canh tác tích hợp đa giá trị trên một diện tích đất sản xuất, tận dụng tốt thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

 

Là huyện nông nghiệp duy nhất tại Đà Nẵng, Hòa Vang cần tích cực tận dụng nguồn lực khoa học công nghệ nhằm tích hợp hoạt động nông nghiệp gắn với bản sắc văn hóa, xã hội, với tài nguyên bản địa tạo thành chuỗi đa giá trị: nông nghiệp sinh thái, du lịch, dịch vụ, điểm đến văn hóa… Muốn như vậy, cần tiếp tục rà soát, tham mưu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Chương trình hành động số 23-Ctr/TU ngày 30-11-2022 của Thành ủy Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp phục vụ du lịch; chính sách hỗ trợ phát triển giống cây trồng phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, làng nghề, sản phẩm OCOP và chính sách phát triển trồng hoa, cây cảnh theo hướng đô thị, sinh thái.

 

* Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang:

 

Đi tìm sự khác biệt về giá trị nông sản

 

Với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp trong thời gian gần đây đã đạt đến “trần” về năng suất, chất lượng như mong muốn của con người. Từ đó phát sinh tình huống “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay “giải cứu nông sản”. Theo tôi, cách duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này là đi tìm sự khác biệt về giá trị nông sản và giá trị đó có thể song hành với số lượng hoặc ngược lại với số lượng. Đây chính là sự khác biệt trong tư duy giữa sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp. Tư duy sản xuất nông nghiệp là tạo điều kiện tối ưu để giống cây trồng, vật nuôi phát huy hết các ưu điểm của nó, từ đó tạo ra năng suất và chất lượng tốt nhất, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là tạo ra các sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất.

 

Thực tế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, mặc dù có năng suất, chất lượng cao nhưng người nông dân vẫn không mặn mà bởi thu nhập thấp, bấp bênh so với các ngành, nghề khác. Vì vậy, chủ trương chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này cần có thời gian và lộ trình nhất định. Trong đó, Nhà nước cần tạo cơ chế chính sách phù hợp với từng vùng, từng khu vực, tạo đòn bẫy để kích thích nông nghiệp phát triển trong thời gian đến.

 

Thời gian qua, để hỗ trợ người nông dân tạo nên giá trị khác biệt trong sản xuất, huyện Hòa Vang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, tạo sản phẩm sạch nhằm nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, tập trung chuyển đổi sản xuất lúa gạo, rau theo hướng hữu cơ, tạo sản phẩm an toàn, xây dựng liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thị sản phẩm; chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp thuần túy sang mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác du lịch; xây dựng chứng nhận OCOP cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, nhằm quảng bá, liên kết, xây dựng câu chuyện sản phẩm, chứng nhận các điều kiện an toàn thực phẩm, nhận diện thương hiệu… Cùng với đó, địa phương tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cấp mã vùng trồng… Qua các năm, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn ngày càng tăng, chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn sinh học, tiết kiệm nước gắn liền với thực hiện duy trì vùng an toàn dịch bệnh đối với động vật trên cạn.

 

Tôi đánh giá việc hình thành các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái là một trong những hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp. Qua đó, đã có nhiều sản phẩm được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, nâng cấp, chuẩn hóa tiêu chuẩn, chất lượng gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế và sức mạnh cộng đồng, tạo tiền đề thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chưa kể, việc kết hợp các mô hình sản xuất trên cùng một diện tích giúp người nông dân dễ tiếp cận thị trường và giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất.

 

* Ông Phạm Châu Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng:

 

Sự hỗ trợ đóng vai trò quan trọng

 

Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng cả về lượng và chất. Chưa kể, như nhiều nơi khác trên thế giới, nền nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên bền vững lẫn sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. Những thách thức này trở thành động lực giúp ngành nông nghiệp địa phương thay đổi theo hướng kinh tế nông nghiệp, thay cho sản xuất nông nghiệp.

 

Tôi nhận thấy, các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đã phát huy những lợi thế nhất định, như tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giúp tránh được các thách thức từ sự hạn chế về diện tích đất canh tác, nguồn nước và nguồn nhân lực trong nông nghiệp ở Đà Nẵng. Đồng thời, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu nhờ áp dụng phương pháp canh tác và quản lý tài nguyên linh hoạt, thông minh, tạo nhiều giá trị thông qua các hoạt động như chế biến, đóng gói, tiếp cận thị trường mới…

 

Để tiếp tục thúc đẩy hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Chính phủ cần xem xét việc tạo ra các chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình kinh tế nông nghiệp. Đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ bảo quản và chế biến nguyên liệu từ nông - lâm - ngư nghiệp, cung ứng cho nông dân công nghệ và tri thức tiên tiến. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ tạo ra các mối hợp tác chặt chẽ, đa dạng giữa nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo… Tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn về tư duy kinh tế nông nghiệp cho cộng đồng nông dân và các bên liên quan. Tạo môi trường kinh doanh thân thiện để thu hút đầu tư và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững, sáng tạo. Tôi thiết nghĩ, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là cần thiết để nông nghiệp Đà Nẵng có thể thích ứng, phát triển bền vững trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng, qua đó góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, sáng tạo và sự hỗ trợ từ cấp quản lý, sở, ngành liên quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Trong đó, phải kể đến việc hỗ trợ chính sách, giống cây trồng, công nghệ, giúp người nông dân có kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý kinh doanh nông nghiệp trong tương lai.

Bình luận