Để nhân rộng trồng cây quế, dự án đã xây dựng mô hình trồng thâm canh cây quế ngọc với mật độ cao từ 4.444 - 15.625 cây/ha, trên 7ha tại 90 hộ gia đình của xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân; đồng thời triển khai nhiều mô hình trồng, chăm sóc cây quế khác.
Tới nay, dự án đã trồng được 90 ha thâm canh cây quế ngọc, xây dựng được mô hình trồng quế xen cây nông nghiệp với diện tích 10ha và được người dân áp dụng thực hiện tại vườn nhà. Dự án hoàn thành mô hình chưng cất tinh dầu quế đạt tiêu chuẩn TCVN 6029:2008, mô hình này được thực hiện tại nhà 5 hộ gia đình tại các xã Yên Nhân, Xuân Cẩm, Vạn Xuân, huyện Thường Xuân với quy mô 5 nồi có công suất 40kg/ngày; từ đó, hình thành sản phẩm 250 lít tinh dầu.
Hiện, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã xây dựng được vườn ươm giống với mục tiêu cung cấp 400.000 cây giống/năm. Thời gian tới, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên mở rộng vùng nguyên liệu, dự kiến sản xuất 500.000 cây giống quế chất lượng để cung cấp cho người dân mở rộng diện tích trồng và thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, phát triển cây quế, đồng thời tập huấn cho người dân về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăn sóc, chế biến và bảo quản sản phẩm các mô hình của dự án.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cây quế ngọc (Cinamomum cassia) thuộc họ Long não, cây cao khoảng 20m, vỏ lá có mùi thơm. Quế ngọc là một trong 4 loại dược liệu quý trong Đông y (sâm, nhung, quế, phục), vỏ và quả quế có thể làm thuốc, lá và vỏ khô có thể làm tinh dầu, gia vị, còn gỗ cây dùng trong xây dựng. Đặc biệt, tinh dầu quế có các tác dụng chữa cảm lạnh và trị ho; kích thích, hỗ trợ tiêu hóa; giảm đau nhức cơ thể, xương khớp; thư giản và giảm đau đầu...
Tại Việt Nam, cây quế ngọc được trồng nhiều tại các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái, Quảng Bình. Tại Thanh Hóa, cây Quế được trồng tại huyện miền núi Thường Xuân.