Có nên mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp?

Bình luận · 223 Lượt xem

TP - Hiện nhiều người nhận thừa kế, tặng cho hoặc sang nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp gặp rắc rối khi được yêu cầu phải có xác nhận là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Nhiều người chịu thiệt

Luật sư Đinh Đức Duy (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, theo quy định của pháp luật, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất, trong đó có đất nông nghiệp. Việc thực hiện chuyển nhượng đất nông nghiệp phải đáp ứng các quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành cũng quy định một số trường hợp không được nhận chuyển nhượng đối với một số loại đất như đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Do quy định trên, nên thời gian qua nhiều người được thừa kế đất nông nghiệp nhưng không thể nhận chuyển quyền sử dụng đất được.

Có nên mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp? ảnh 1

Người dân sản xuất nông nghiệp

Ông Trần Hữu Thiệu (ở huyện Hoài Đức) cho biết, gia đình có 2 anh em. Hiện cả 2 đều làm việc tại các cơ quan nhà nước gần nhà. Trước đây, bố mẹ ông được chia hơn 4 sào đất nông nghiệp theo Nghị định 64. Gần đây, bố mẹ ông quyết định chia số ruộng đất trên cho 2 con. Mảnh đất gần nhà, nên ông cũng muốn giữ để vài năm nữa về hưu trồng rau màu phục vụ sinh hoạt.

Tuy nhiên, khi đi làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, ông được yêu cầu phải có xác nhận là “nông dân”, người trực tiếp sử dụng đất. Nếu không thì bố mẹ ông không thể chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp đó được cho các con. Ông ra UBND xã để hỏi thủ tục xin xác nhận “nông dân” thì bị cán bộ lắc đầu, bảo không thể xác nhận được. “Anh em chúng tôi giờ là viên chức, công chức thì ai xác nhận cho mình là nông dân chứ”, anh Thiệu chia sẻ. trên, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Kim An (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, chỉ người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới có thể được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Thời gian qua, trên địa bàn xã cũng có một số trường hợp chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, qua xác minh của UBND xã, những người nhận chuyển nhượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. UBND xã đã giải thích, sau đó việc chuyển nhượng đã phải dừng lại.

Ông Đinh Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, quá trình công tác cũng đã gặp một số trường hợp người dân đến xin xác nhận là nông dân, làm nông nghiệp" để chuyển nhượng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, qua xác minh, họ là công chức, viên chức hoặc không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên UBND xã không thể xác nhận.

Theo ông Thi, Luật Đất đai hiện hành vẫn có một số bất cập trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Thực tế, cũng có trường hợp bố mẹ muốn chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho con. Tuy nhiên, các con đều là viên chức, nên không thể sang tên được. Khi bố mẹ mất, thửa đất đó bị “treo”.

 

Ngoài ra, những trường hợp viên chức, công chức vẫn còn giữ đất nông nghiệp theo Nghị định 64 nếu phải thu hồi thì chỉ nhận được tiền bồi thường theo giá khung nhà nước quy định mà không được hỗ trợ khác. Trong khi đó, những người trực tiếp sản xuất nếu bị thu hồi đất thì ngoài tiền bồi thường họ còn được nhận thêm một số khoản hỗ trợ như đào tạo nghề, hỗ trợ lương thực...

Tránh đầu cơ

Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Quốc hội. Các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để rà soát những bất cập, lỗ hổng của Luật Đất đai hiện hành để đưa vào dự luật mới. Trong đó, vấn đề mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội.

Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) cho biết, hợp tác xã của bà rất khó khăn trong việc mở rộng quy mô đầu tư do khó tiếp cận với đất nông nghiệp.

Do đó, nếu dự thảo luật quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng cho đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là phù hợp quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Đồng thời, giúp các hộ gia đình, cá nhân tích tụ được đất đai với quy mô lớn hơn để yên tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và thuận tiện áp dụng khoa học, công nghệ.

Trước đó, góp ý về vấn đề này nhiều ĐBQH cũng đồng ý với việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, nhưng cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh đầu cơ. ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đồng ý với việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng cần, nghiên cứu thí điểm trước khi mở rộng. Đồng thời, phải có cơ chế chặt chẽ hơn để tránh tiêu cực, phòng ngừa việc lợi dụng để đầu cơ đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cũng cho rằng, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế. Đồng thời cần thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng.

Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Quốc hội. Các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để rà soát những bất cập, lỗ hổng của Luật Đất đai hiện hành để đưa vào dự luật mới. Trong đó, vấn đề mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội.

Bình luận