Chăn nuôi dê theo mô hình kinh tế hợp tác giúp người dân Đắk Lắk thoát nghèo bền vững

Bình luận · 207 Lượt xem

Với việc phát triển các tổ hợp tác, HTX trong chăn nuôi dê một cách hiệu quả, tin rằng đây sẽ là hướng đi đúng, mang tính lâu dài để giúp người dân ở vùng cao Đắk Lắk thoát nghèo bền vững.

Là một thành viên của Tổ hợp tác chăn nuôi dê ở tổ dân phố 8 thuộc thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk), bà Nguyễn Thị Công cho biết từ khi tham gia tổ hợp tác liên kết chăn nuôi dê đã mang lại lợi ích cho gia đình bà trong khâu tìm đầu ra cho con dê. 

Liên kết nuôi dê ở Cư M'gar

Theo bà Công, nhờ kết nối chia sẻ của các thành viên tổ hợp tác mà các thương lái, các gia chánh trong và ngoài địa bàn tìm đến mua tận nơi. Làm ăn hiệu quả chị em đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, có hộ đàn dê lên đến 30, 40 con, nhiều hộ có thu nhập hằng năm từ 70 đến 80 triệu đồng từ chăn nuôi dê mỗi năm…

-4639-1696218233.jpg

Đồng bào thiểu số ở huyện Cư M'gar tham gia vào các tổ hợp tác chăn nuôi dê giúp đầu ra được ổn định hơn.

Thay vì mạnh ai nhà ấy làm như trước đây, sau khi tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi dê, các thành viên ở tổ dân phố 8 đã cùng hợp tác để tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng nguồn quỹ chung để cùng nhau mở rộng quy mô chăn nuôi. 

Đồng thời khi tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho đàn dê. Nhờ sự hỗ trợ của hội phụ nữ huyện, tính ra tổ hợp tác liên kết chăn nuôi dê của chị em phụ nữ ở tổ dân phố 8 duy trì đàn dê trên 700 con. Việc liên kết trong chăn nuôi đã trực tiếp giúp cho chị em nâng cao thu nhập, yên tâm phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hoặc như ở xã Ea H’đing (huyện Cư M'gar), được sự hỗ trợ của huyện đoàn, hồi đầu năm nay đã thành lập Tổ hợp tác thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, gồm 5 thành viên là thanh niên dân tộc thiểu số với mô hình nuôi dê thương phẩm và dê giống quy mô 300 con.

Ngoài xuất, bán dê cho khách hàng trong tỉnh và ngoài tỉnh, các thanh niên trong tổ hợp tác này còn tận dụng phân dê cung cấp cho các nhà vườn.

Cùng với hai tổ hợp tác nuôi dê ở Quảng Phú và Ea Hđing, tính đến nay tổng đàn dê toàn huyện Cư M’gar đã lên đến khoảng 22.356 con, tập trung nhiều tại các xã như Ea Kpam, Quảng Hiệp, Ea H’đing, Ea Drơng, Thị trấn Ea Pốk, Quảng Phú…

Nhờ các sản phẩm từ dê rất được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra của dê có giá khá ổn định, từ đó nhiều hộ dân và tổ hợp tác, HTX trong huyện này đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi dê theo hướng hàng hóa. Nhất là đối với các hộ nuôi dê theo hình thức nhốt chuồng, nuôi dê vỗ béo, nuôi dê với quy mô lớn.

Như ở xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) hiện có hoạt động chăn nuôi dê đang trở thành phong trào phát triển mạnh. Mô hình này mở ra hướng mới giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống. Hiện toàn xã có hơn 40 hộ đầu tư vào nghề nuôi dê. Xã Ea Kpam đang từng bước xây dựng sản phẩm thịt dê đủ điều kiện để tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm lợi thế của địa phương.

Trong xã Ea Kpam có anh Bùi Duy Khánh là một chủ trang trại điển hình đang phát triển mạnh nghề nuôi dê và là thành viên đồng sáng lập HTX Dê Đắk Lắk (ở xã Hòa Thuận, Tp. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Anh Khánh cho biết, với quy mô đàn dê 600 con hiện tại, mỗi tháng, anh xuất bán 150 con dê thịt và dê giống, thu lãi khoảng 60 triệu đồng, tạo việc làm cho thanh niên tại địa phương.

Xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ

Chính quyền xã Ea Kpam đang từng bước vận động các hộ nuôi dê tham gia vào tổ hợp tác, HTX chăn nuôi trên địa bàn để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao kỹ thuật sản xuất cho các thành viên nhằm tăng lợi nhuận trong chăn nuôi, phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Từ mô hình này, kỳ vọng sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân khu vực nông thôn.

-3359-1696218233.jpg

Tham gia vào chuỗi liên kết nuôi dê của các HTX, tổ hợp tác giúp chị em phụ nữ Đắk Lắk thoát nghèo bền vững.

Xét về việc phát triển kinh tế hợp tác trong chăn nuôi dê phải kể thêm ở xã Ea Ning (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) trong vài năm trở lại đây người dân địa phương đã liên kết thành tổ hợp tác chăn nuôi dê để hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, góp phần tăng thêm thu nhập.

Ông Hồ Đăng Xuân, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi dê xã Ea Ning cho biết, tổ hợp tác được thành lập nhằm mục đích hợp tác cùng phát triển chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn tại các hộ gia đình. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ vắc xin phòng bệnh, kỹ thuật chăn nuôi và liên kết tìm đầu ra, hướng tới ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn. 

Theo ông Xuân, sau một thời gian hoạt động, các hộ chăn nuôi trong tổ còn tự sản xuất và hỗ trợ nhau về con giống. Ngoài ra, các thành viên còn được hội nông dân các cấp tư vấn, hỗ trợ và trang bị thêm nhiều kiến thức về điều hành, tổ chức tổ hợp tác, kỹ thuật chăn nuôi…

Là thành viên của tổ hợp tác này, anh Lê Văn Tuấn ở thôn 21 (xã Ea Ning) cho biết nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định mà không quá vất vả do loài vật này có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; thức ăn thì có thể tận dụng các loại lá cây hái trong nương rẫy hoặc cỏ tự trồng.

Theo anh Tuấn, tham gia vào tổ hợp tác đã mở ra hướng đi đúng cho bà con chăn nuôi dê trong xã phát triển kinh tế có hiệu quả. Nhiều thành viên của tổ hợp tác chăn nuôi dê đã vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Còn ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) hiện đang có dự án “Vươn mình - Phát triển sinh kế bền vững”, do Tổ chức CARE International tại Việt Nam đang được triển khai nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các tổ hợp tác nhằm chăn nuôi dê theo hướng bền vững.

Trong 2 năm triển khai (2023 và 2024), dự án này hướng đến việc thúc đẩy phát triển sinh kế cho nông hộ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số ở 2 xã Ea Drông và Cư Bao, thị xã Buôn Hồ. Đây là 2 xã thuần nông, với hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số, có nhiều điều kiện để chăn nuôi bò và dê.

Hồi tháng 7/2023, trung tâm phát triển cộng đồng CDC trao quỹ hỗ trợ cho các tổ hợp tác nuôi dê tại xã Ea Drông thị xã Buôn Hồ trong khuôn khổ dự án nêu trên. Các thành viên đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực nhằm cải thiện mô hình chăn nuôi dê từ đó góp phần phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn. Bên cạnh đó, cán bộ thú y thị xã Buôn Hồ hướng dẫn các hộ nuôi dê  trong tổ hợp tác các cách sát trùng chuồng trại và cấp phát thuốc sát trùng cho các tổ hợp tác.

Hướng đi đúng mang tính lâu dài

Cũng ở thị xã Buôn Hồ, nhờ sự hỗ trợ của Thị đoàn và phòng kinh tế thị xã Buôn Hồ, anh Y Cuông đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê. Với nguồn vốn hỗ trợ 70%, anh Y Cuông đã mua 25 con dê về chia cho 4 thành viên của tổ hợp tác. Sau thời gian chăm sóc, hiện đàn dê của tổ hợp tác ngày càng tăng lên.

-8698-1696218233.jpg

Việc phát triển kinh tế hợp tác trong chăn nuôi dê là hướng đi đúng, mang tính lâu dài giúp cải thiện đời sống cho người dân ở vùng cao Đắk Lắk.

Anh Y Cuông cho biết, việc chuyển sang chăn nuôi dê theo mô hình tổ hợp tác là một quyết định đúng đắn khi mà trồng cà phê phải theo mùa và phụ thuộc giá thị trường nhiều khi bấp bênh. Tổ hợp tác đang muốn nhân rộng mô hình này tới các hộ trong buôn, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình, giúp cải thiện đời sống cho bà con.

Bên cạnh đó, nhắc đến hoạt động kinh tế hợp tác trong chăn nuôi dê ở Đắk Lắk không thể không nhắc đến HTX Dê Đắk Lắk. Mỗi năm HTX này có thể cung ứng 108 tấn thịt hơi và 3.000 lít sữa dê ra thị trường. Tổng số dê lúc cao điểm có thể đạt mức 2.500 con trên 5 chuồng trại. 

HTX hiện có 7 thành viên, trong đó có 5 thành viên sở hữu trang trại nuôi dê quy mô lớn gồm: Mông Cổ Trại (xã Hòa Thuận, Tp. Buôn Ma Thuột), Sữa dê Ban Mê (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), Trại dê Chiến Thắng (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar), BuBu Farm (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin), hộ anh Lê Trung Hiếu (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn).

HTX Dê Đắk Lắk đang phát triển thị trường cho nhiều sản phẩm tinh chế từ thịt và sữa dê như: thịt dê tươi đóng gói, chả dê, sữa chua sữa dê…HTX này cũng đang hoàn chỉnh thủ tục để đưa các sản phẩm này vào kênh siêu thị, chuỗi nhà hàng hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho các mặt hàng thịt và sữa dê xuất phát từ tỉnh Đắk Lắk. 

Ngoài ra, HTX còn liên kết với nhiều thương lái, điều phối nguồn cung ứng trong nội bộ HTX và các nông dân liên kết để giảm tình trạng lệch cán cân cung cầu làm ảnh hưởng đến giá trị của mặt hàng dê thịt.

Có thể thấy, với việc phát triển kinh tế hợp tác trong chăn nuôi dê một cách sôi động và hiệu quả như vậy thì tin rằng đây sẽ là hướng đi đúng, mang tính lâu dài để giúp người dân ở vùng cao Đắk Lắk thoát nghèo bền vững. Bởi vì đây là những mô hình xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, cho nên cần tiếp tục hình thành các tổ hợp tác, HTX nuôi dê, từ đó cung cấp thị trường sản phẩm dê giống, dê thịt chất lượng, an toàn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nông dân.

Bình luận