Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Cần có lộ trình cụ thể để đồng bộ các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế mới

Bình luận · 402 Lượt xem

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các mô hình kinh tế mới hiện đã có định hướng và chính sách hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực song còn chậm trong triển khai. Nguồn lực từ ngân sách để phát triển khoa h?

 

ĐẦU TƯ

Khung pháp lýDự ánNhà đầu tưĐịa phươngHạ tầng

16:22 06/10/2023

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Cần có lộ trình cụ thể để đồng bộ các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế mới

Vân Nguyễn -

 

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các mô hình kinh tế mới hiện đã có định hướng và chính sách hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực song còn chậm trong triển khai. Nguồn lực từ ngân sách để phát triển khoa học công nghệ chưa đạt kỳ vọng và chính sách phát triển nhân lực số còn nhiều điều đáng bàn…...

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Việt Dũng

Diễn đàn Kinh tế mới 2023 diễn ra chiều ngày 6/10/2023 là sự kiện đặc biệt, bao phủ vào nhiều nội dung có liên quan đến các vấn đề từ ngắn hạn đến trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

 

Diễn đàn lần này đề cập nhiều vấn đề mới và thuật ngữ mới như kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm và kinh tế dữ liệu. “Đây là những vấn đề mà Việt Nam đang rất quan tâm, nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, cũng như các vấn đề về mặt trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương gợi ý.

 

KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI LÀ NHÂN TỐ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Việt Nam xác định quan điểm là phải đổi mới tư duy hành động, chủ động và nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế, từ đó, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả cạnh tranh của Việt Nam.

 

Trong các vấn đề liên quan đến nội hàm kinh tế mới, Nhà nước có các chủ trương định hướng lớn. Cụ thể, về các chủ trương chính sách chung liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW, trong đó, xác định kinh tế số là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh đó là nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, Chính phủ điện tử.

 

Liên quan đến kinh tế tuần hoàn là Nghị quyết 24-NQ/TW và Kết luận 56 của Bộ Chính trị khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cũng đã xác định mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

 

Nội dung liên quan đến kinh tế mới cũng được đề cập trong các chủ trương khác như Nghị quyết 06 về quy hoạch và phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045…

 

Như vậy, theo đánh giá của Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, diễn đàn có mức độ bao phủ lớn và mạnh mẽ đối với các cơ quan hoạch định chính sách.

 

Tuy nhiên, “dù đã có nhiều định hướng, chủ trương trong các ngành, lĩnh vực kinh tế nhưng vấn đề cần nhìn nhận tổng thể để gắn kết, đồng bộ, cần góp ý của các chuyên gia nhà khoa học, doanh nghiệp để có lộ trình thực hiện phù hợp và đi vào thực tế cuộc sống”, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương lưu ý.

 

MỤC TIÊU ĐẦY THÁCH THỨC ĐÒI HỎI CHUYỂN DỊCH NHANH

Đi sâu phân tích cụ thể hơn ở từng lĩnh vực, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển dẫn chứng, hiện nay về kinh tế số cũng có nhiều cách tính toán khác nhau. Ví dụ như theo bảng cân đối liên ngành IO, năm 2019, kinh tế số dự đoán đạt khoảng 10,2% GDP. Gần đây, trong báo cáo nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số Việt Nam trong năm 2022 ước khoảng 14,26% trong tổng GDP.

 

“Để đạt mục tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết 52, nền kinh tế số sẽ đạt 30% trong tổng GDP vào năm 2030 của Việt Nam là một mục tiêu lớn, đòi hỏi cần có mức tăng trưởng rất mạnh”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận.

 

Về kinh tế tuần hoàn, mục tiêu tổng thể đặt ra là Việt Nam mong muốn giảm cường độ liên quan đến phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. “Đây là cam kết chính trị lớn của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải chuyển dịch, cơ cấu lại nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế”, ông Hiển nhấn mạnh.

 

Tương tự, với kinh tế ban đêm cũng đặt ra yêu cầu về các mô hình mới mà Việt Nam cần thúc đẩy trong phát triển tổng thể chung về kinh tế đô thị trong Nghị quyết 06 của Chính phủ.

 

Vì vậy, tại diễn đàn này, Ban Kinh tế Trung ương mong muốn lắng nghe các ý kiến của chuyên gia quốc tế, nhà khoa học, doanh nghiệp.

 

Thứ nhất, các kế hoạch, chủ trương tổng thể các ngành đã có nhưng việc gắn kết cần có lộ trình thực hiện để không chồng chéo. Bởi, thực tế hiện nay các mô hình kinh tế mới đã có định hướng, song còn chậm trong triển khai.

 

“Các chính sách tại nhiều lĩnh vực mặc dù đã được ban hành và rất cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của doanh nghiệp, để thúc đẩy phát triển kinh tế các yêu cầu về thể chế vẫn là vấn đề cần hoàn thiện”, ông Hiển nhấn mạnh.

 

Thứ hai, liên quan đến kinh tế mới là vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Theo phân tích của Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ chi từ ngân sách cho nghiên cứu phát triển phải đạt bình quân 3 nước đứng đầu ASEAN. Tuy nhiên, đến năm 2019, mức chi cho khoa học công nghệ nước ta chỉ đạt 0,53% GDP, chưa đạt mức 2% chi chung khoa học công nghệ. Vấn đề đặt ra là các cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ vẫn vướng mắc rất nhiều.

 

Về phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ về cơ chế đặt hàng nguồn nhân lực mới trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có ngành công nghệ số.

 

“Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực trong các ngành liên quan đến phát triển kinh tế mới và cần có sự chuyển dịch”, ông Hiển nêu thực tế. Với những thực tiễn đề cập, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương mong muốn thông qua diễn đàn, các chuyên gia doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi, chia sẻ các mô hình, cách làm hay trong sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, từ đó thúc đẩy các nền kinh tế mới phát triển…

Bình luận