Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Quan Hóa

Bình luận · 203 Lượt xem

Là một trong 3 huyện miền núi cao và xa nhất của tỉnh, Quan Hóa ít có điều kiện phát triển hạ tầng cũng như nhiều tiêu chí trong XDNTM. Để tạo bước chuyển biến mới, năm 2023 Quan Hóa đã kiện toàn lại Văn phòng Điều phối Chư

Nếu không tính cấp thôn/bản, đến nay huyện vùng biên này chỉ có xã Phú Nghiêm đạt chuẩn NTM năm 2019. Đây là kết quả đáng báo động bởi đã qua nửa nhiệm kỳ thực hiện chương trình với nhiều chỉ tiêu đề ra, nhưng huyện chưa có thêm xã nào đạt chuẩn NTM, càng xa vời với xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu. Từ năm 2023, sau khi nhìn lại những tồn tại, huyện đã đề ra và thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ nhằm tạo bước đột phá.

 

Xác định phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho Nhân dân vẫn là “chìa khóa” để XDNTM, huyện định hướng các xã tập trung nâng cao giá trị ngành nông - lâm nghiệp. 9 tháng năm 2023, giá trị sản xuất trồng trọt của huyện đạt khoảng 180 tỷ đồng. Các mô hình sản xuất được định hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Toàn huyện cũng tích tụ được gần 100 ha đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Huyện đang phát triển thêm được mô hình trồng cây mận với diện tích 4 ha ở xã Trung Sơn.

 

Có lợi thế diện tích đất rừng sản xuất hàng chục nghìn ha, độ che phủ rừng lên tới 84,5%, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn chăn nuôi dưới tán rừng. Hơn 27.500 ha luồng trên địa bàn huyện đang được phục tráng từng phần để nâng cao giá trị. Hiện đây là cây lâm nghiệp cho thu nhập quanh năm, giải quyết nhu cầu sinh hoạt trước mắt cho hàng chục nghìn hộ đồng bào trên địa bàn. Trên địa bàn huyện có 16 doanh nghiệp và HTX chế biến lâm sản, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần phát triển an sinh xã hội.

 

Chăn nuôi dưới tán rừng cũng được huyện khuyến khích để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Hiện địa phương phát triển đàn trâu hơn 3.000 con; đàn bò hơn 11.000 con; đàn lợn khoảng 8.500 con; đàn dê 2.700 con; đàn gia cầm, thủy cầm gần 104.000 con... Tận dụng các vụng và mặt nước trên lòng hồ thủy điện, nhiều xã đã phát triển hoạt động nuôi cá lồng, giúp nhiều hộ dân vươn lên khá giả.

 

Là hình thức phát triển kinh tế quan trọng trong chương trình XDNTM, huyện miền núi Quan Hóa cũng quan tâm đến Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, trên địa bàn đã có 6 sản phẩm OCOP, dự kiến trong tháng 10 này huyện sẽ tổ chức đánh giá thêm 3 sản phẩm 3 sao là thịt khâu nhục, măng ớt muối chua và măng khô sợi.

 

Từ sự phát triển kinh tế, huyện có nhiều điều kiện để huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí NTM. Hệ thống giao thông tiếp tục được hoàn thiện, tạo sự kết nối giữa các xã và các thôn, bản trong huyện. Đây là một trong những nhiệm vụ huy động được sự tham gia, đóng góp nhiệt tình của Nhân dân dưới nhiều hình thức như tiền mặt, công lao động, hiến đất. Trong 9 tháng năm 2023 có khoảng 9.000m đường giao thông nông thôn được mở rộng, kiên cố và xây dựng mới. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đảm bảo 73% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng, trong 9 tháng xây dựng mới được 2.700m kênh mương. Hệ thống điện cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn. Đến nay, 100% số xã có điện lưới quốc gia, số thôn bản có điện chiếu sáng đạt 107/107 bản, khu phố.

 

Tiêu chí giáo dục được huyện thực hiện khá hiệu quả theo hướng hoàn chỉnh cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các nhà trường. Đến nay, toàn huyện có 24/48 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ đạt 50%); cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Ngoài xã Nam Tiến đang phấn đấu, thì toàn huyện có 13/14 xã đã đạt chuẩn tiêu chí giáo dục. Cơ sở vật chất trang thiết bị về y tế theo tiêu chí NTM tiếp tục được quan tâm đầu tư. Huyện tiếp tục đầu tư cơ sở và trang thiết bị hiện đại cho Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế các xã nhằm phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn. Tính đến tháng 9-2023, có 10/14 xã đạt chuẩn tiêu chí về y tế.

 

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện để người dân vùng cao nâng cao mức hưởng thụ. Huyện cũng đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với XDNTM”. Đến nay, toàn huyện có 75/107 bản, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa; có 5.776 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 51,6%; có 157 câu lạc bộ văn hóa. Ngoài xã biên giới Hiền Kiệt, 13 xã còn lại đã đạt tiêu chí văn hóa theo bộ tiêu chí xã NTM.

 

Rà soát theo bộ tiêu chí mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, hiện bình quân mỗi xã đã đạt 10,5 tiêu chí. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Hóa Lê Văn Nam cho biết: Thời gian gần đây nhiệm vụ XDNTM trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến với những kết quả tích cực. Tuy nhiên, là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên một số chỉ tiêu như nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều... đang là bài toán khó. Cùng với nỗ lực khắc phục, huyện đang phát huy nội lực để tập trung cho XDNTM cấp thôn, bản và sản phẩm OCOP để tạo chuyển biến từ nội tại.

Bình luận