Công nghệ số trong quản lý chăn nuôi, thú y: [Bài 3] Chăn nuôi heo tỷ lệ chết dưới 1%

Bình luận · 204 Lượt xem

Việc dứng dụng công nghệ trong chăn nuôi heo giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farm tiết kiệm được nhân công cũng như hạn chế tỷ lệ chết xuống dưới 1%.

Thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi trong nước đã triển khai ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng, phòng chống dịch bệnh cũng như đảm bảo yếu tố về vệ sinh môi trường.

 

Tuy nhiên, ngoài chất lượng nguồn giống, gien của heo thì việc bố trí chuồng trại, các phương tiện thiết bị công nghệ theo dõi cùng góp phần nâng cao chất lượng đàn heo cũng như phục vụ công tác thống kê một cách khoa học và bài bản.

 

Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farm (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đang vận hành 3 trang trại với quy mô 96.000 con heo/năm tại Đắk Lắk và Gia Lai. Để việc chăn nuôi thành công, công ty đã áp dụng nhiều công nghệ trong chăn nuôi heo.

 

Ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farm cho biết, về mặt thiết kế chuồng nuôi các trang trại Ricky Farm được thực hiện theo mô hình tiên tiến, hiện đại trên thế giới với các tiêu chuẩn xây dựng thỏa mãn theo các quy chuẩn Việt nam (QCVN) và Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan.

 

Các chuồng được bố trí ở cự ly 12 mét để đảm bảo tính cô lập và xử lý dịch cục bộ khi có dịch bệnh xảy ra. Tại cuối mỗi chuồng nuôi ở vị trí sát quạt thông gió có bố trí ô cách ly để chăm sóc các con heo bị bệnh và chữa trị giúp nhanh chóng hồi phục và không gây lây nhiễm cho các con heo khác trong quá trình nuôi.

 

Chuồng nuôi có bố trí hệ thống cảm biết nhiệt, độ ẩm để giúp kiểm soát điều kiện vi khí hậu với ngưỡng nhiệt độ, độ ẩm giúp phát triển tối ưu đàn heo. Khi nhiệt độ tăng cao sẽ kích hoạt các hệ thống bơm nước giàn mát và các quạt hút giúp duy trì nhiệt độ, độ ẩm thích hợp trong chuồng nuôi và đảm bảo duy trì ổn định qua đó sức khỏe con heo được đảm bảo. Việc này giảm thiểu các điều kiện phát sinh dịch bệnh ảnh hưởng tới sinh trưởng của đàn heo.

 

Đặc biệt, về mặt tiêu độc khử trùng, hàng ngày khi tới giờ làm việc toàn bộ công nhân tham gia chăm sóc đàn heo sẽ được đi qua phòng kỹ thuật và tiếp tục được tắm sát trùng, thay bảo hộ lao động cá nhân trước khi vào khu chăn nuôi.

 

Khi đến giờ nghỉ được bố trí phòng nghỉ ca, khu ăn ca cách ly hoàn toàn, thậm chí toàn bộ thức ăn cũng được chiếu tia UV để đảm bảo không có bất cứ nguy cơ mầm bệnh nào tác động tới vật nuôi.

 

Khu chăn nuôi cũng có tường cách ly riêng để đảm bảo tính độc lập cũng như tránh khả năng lây nhiễm.

 

Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farm cũng áp dựng công nghệ cho ăn tự động, kiểm soát vật nuôi, toàn bộ trang trại được thiết kế với hệ thống cho ăn tự động. Trong đó, xe chở heo bằng bồn chuyên dụng và bơm lên các Silo tổng chứa cám. Các xe chở cám chạy ngoài hàng rào trang trại và bơm cám vào các Silo tổng.

 

Lúc này, các Silo tổng được điều khiển bơm cám vào các silo cám đầu chuồng và qua đó lượng cám này bơm thẳng tới các máng ăn bằng các bảng điều khiển PLC PIC s71200 của hãng Simens với phần mềm chuyên dụng. Ngoài ra, hệ thống cân cám tự động cũng như phân bổ cám sẽ được thống kê chuyển thẳng dự liệu thông qua mạng Ethernet cũng như Internet để khối điều hành văn phòng nắm được thông tin cụ thể.

 

 

Quản lý vật nuôi được Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farm triển khai ứng dụng bằng phần mềm Pig Pro qua đó dễ dàng xác định lứa heo được nhập về từ trại giống nào, thời gian nuôi, lượng cám sử dụng, khối lượng heo xuất, các loại vaccine sử dụng qua đó dễ dàng trong công tác truy xuất cũng như đánh giá hiệu quả chăn nuôi và chi phí liên quan.

 

Đối với nước thải, hệ thống xử lý được áp dụng công nghệ A/O hai bậc với bể kị khí USAB hoặc A/O hai bậc kết hợp với cụm hóa lý. Tùy theo điều kiện chăn nuôi mà có thể áp dụng, với hệ thống chuồng nuôi trên nền tấm đan và hầm rút phân sẽ giúp tiết kiện lượng nước rửa chuồng, tắm heo qua đó giảm thiểu lượng nước thải và sau khi xử lý nước thải thì có thể tái tuần hoàn tham gia công tác rửa chuồng và tuần hoàn khép kín không thải ra môi trường.

 

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, việc ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi làm giúp đơn giãn hóa các thủ tục quản lý và giúp nhanh chóng xử lý trong việc thống kê cũng như nâng cao chất lượng đàn heo.

 

“Việc cho đàn heo ăn bằng xe tổng, không chạy trực tiếp vào trại nên tránh được lây lan dịch bệnh. Ngoài ra tiết kiệm được chi phí nhân công, vì mỗi trang trại mỗi ngày tiêu thụ hơn 35 tấn cám. Khi áp dụng công nghệ thì 1.000 con chỉ cần một người tham gia vào vận hành là đủ. Nếu không áp dụng công nghệ thông tin thì lượng nhân công sử dụng rất lớn.

 

Với việc áp dụng khoa học công nghệ vào trong chăn nuôi trong kiểm soát điều kiện sinh trưởng nên tỷ lệ chết rất thấp, thậm chí dưới một 1% nên hiệu quả kinh tế cao. Con heo khi xuất chuồng có trọng lượng lớn, phát triển đều da đẹp, đáp ứng được các yêu cầu của đối tác”, ông Tùng nói.

Bình luận