Giá trị kinh tế tăng
Ông Nguyễn Tiến Trung - Phó ban Nông nghiệp xã Quế Mỹ (Quế Sơn) cho hay, hiện nay tại địa phương có 385ha đất canh tác lúa. Do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên nhiều năm qua Quế Mỹ gặp khó khăn trong việc cung ứng nước tưới cho cây lúa.
Vụ đông xuân vừa qua, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi nên nông dân sản xuất hết số diện tích đất lúa vừa nêu. Còn vụ hè thu, do thiếu hụt nguồn nước tưới trầm trọng nên nhà nông chỉ xuống giống được 270ha lúa, còn lại 115ha không thể gieo sạ.
Đối với điện tích này, chính quyền địa phương tích cực vận động nông dân chuyển sang trồng những giống sắn có khả năng chịu hạn tốt và cho năng suất cao. Kết quả cho thấy, bình quân 1 sào đất lúa không chủ động nước tưới chuyển sang trồng các loại sắn như PLT01, KM94… mỗi vụ mang lại cho nhà nông khoảng 2 - 2,3 triệu đồng”.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Trung, trong số 270ha đất lúa nằm trong kế hoạch gieo sạ vụ hè thu của xã Quế Mỹ, lâu nay thường có ít nhất 100 sào lúa ở các khu vực cuối kênh của 35 hộ dân thuộc 3 thôn Phú Cường 1, Đông Nam, Phước Phú Đông rất bấp bênh nguồn nước tưới nên sản xuất không hiệu quả.
Từ thực trạng đó, mấy năm gần đây ngành nông nghiệp huyện Quế Sơn cùng chính quyền địa phương tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển sang canh tác 2 loại cây trồng cạn chủ lực là bắp và mè, thu được giá trị kinh tế tương đối cao.
“Riêng vụ hè thu 2023, bình quân 1 sào đất lúa chuyển sang trồng bắp hoặc mè mang lại cho nông dân Quế Mỹ 3 - 4 triệu đồng, trước đây gieo sạ lúa chỉ thu về 1,5 - 1,7 triệu đồng” - ông Trung nói.
Tại huyện Duy Xuyên, ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú cho hay, vài năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, 25 hộ dân trên địa bàn 5 thôn của xã mạnh dạn đầu tư cải tạo 240 sào đất lúa chủ động nước tưới để chuyển sang trồng sen lấy hạt theo phương thức chuyên canh. Số diện tích vừa nêu tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Chánh Sơn và Trung Sơn.
Qua đánh giá thực tế, bình quân mỗi vụ 1 sào đất lúa chuyển sang trồng sen thu hoạch khoảng 150kg hạt sen tươi. Nông dân bán hạt sen tươi cho tư thương ngay tại nhà với mức giá bình quân 50 nghìn đồng/kg, thu về 7,5 triệu đồng, tăng gấp 3 - 4 lần so với sản xuất lúa.
Nỗ lực chuyển đổi
Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, từ vài điểm sản xuất khảo nghiệm nhỏ lẻ ban đầu, đến nay mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được triển khai tại hầu khắp địa phương của huyện.
Chỉ tính riêng trong vụ đông xuân và hè thu năm nay, nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa khó khăn nước tưới và sản xuất kém hiệu quả với tổng diện tích gần 125ha.
Số diện tích này chủ yếu là trồng đậu phụng thâm canh, bắp lai, đậu phụng xen sắn, mè, trồng sen chuyên canh... Tùy từng đối tượng cây trồng, bình quân mỗi vụ 1ha đất lúa chuyển đổi cho giá trị 45 - 90 triệu đồng, tăng 6 - 50 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác lúa.
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả, ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho hay, ngay từ đầu năm đơn vị đã tham mưu UBND huyện ban hành cụ thể kế hoạch triển khai.
Trong 2 vụ của năm 2023, nông dân địa phương chuyển tổng cộng 77,4ha đất lúa sang trồng sen chuyên canh, trồng cỏ nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò lai thâm canh và trồng bắp, sắn, khoai lang, mè, rau đậu các loại…
“Trong số diện tích đất lúa chuyển đổi đó, có 72,4ha không chủ động nước tưới và 5ha chủ động nước tưới nhưng sản xuất đạt hiệu quả thấp. Các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở Nông Sơn đều mang lại giá trị kinh tế cao.
Đáng chú ý, bình quân mỗi vụ, với 1 sào đất lúa chuyển qua cải tạo trồng sen chuyên canh cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng, tăng gấp đôi so với trồng lúa; còn các loại cây trồng cạn khác cho mức thu nhập tăng thêm 30 - 40% so với lúa” - ông Lanh nói.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên ruộng lúa sản xuất không đạt hiệu quả được xem là vấn đề trọng tâm trong triển khai thực hiện chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Riêng năm 2023 nông dân trên địa bàn Quảng Nam chuyển hơn 1.000ha đất lúa sang trồng bắp, đậu phụng, mè, sen chuyên canh, sắn và các loại rau đậu, cây ăn quả, cây dược liệu...
Những địa phương có diện tích đất lúa chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhiều là Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Quế Sơn. Nhìn chung, phần lớn mô hình chuyển đổi đều hiệu quả.