Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Bình luận · 197 Lượt xem

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các cấp hội, hội viên nông dân trong tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo, khắc phục khó khăn, ngày càng kh?

Khẳng định vai trò của nông dân

 

Nhìn lại giai đoạn 2018-2022, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2,86%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Chăn nuôi chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Thủy sản phát triển theo hướng thâm canh và bán thâm canh, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 11,5 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 52 nghìn tấn/năm

Công tác bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng, đẩy mạnh giao đất, giao rừng, cho thuê rừng tới tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, phát triển mạnh rừng sản xuất. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đạt được kết quả này có sự đóng góp lớn, quan trọng của hội viên nông dân trong toàn tỉnh.

 

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục được các cấp hội, hội viên quan tâm, trở thành phong trào nòng cốt, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Toàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất an toàn. 

 

Đơn cử, mô hình chăn nuôi lợn theo hướng nông nghiệp tuần hoàn của ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Mô hình sản xuất khoai tây liên kết của HTX Quang Trung, xã Lan Giới (Tân Yên) cho thu nhập 120 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất rau cần tại các xã Hoàng Lương, Hoàng Thanh (Hiệp Hòa) cho thu nhập 490 triệu đồng/ha...

 

Nhiều cá nhân tích cực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào trồng trọt, chăn nuôi; quan tâm ứng dụng nền tảng số trong quảng bá, tiêu thụ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng ngành nghề mới, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

 

Ngoài phát triển kinh tế, các cấp hội, hội viên nông dân còn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động của T.Ư và địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. 5 năm qua, các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng vạn ngày công giúp hơn 2 nghìn hộ thoát nghèo, xóa hơn 800 nhà tạm. 

 

Hiến hơn 5 nghìn m2 đất; đóng góp gần 52 tỷ đồng; hơn 5 nghìn ngày công lao động; sửa chữa, bê tông hóa khoảng 4 nghìn km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, sửa chữa hơn 1 nghìn km kênh mương nội đồng…

 

Khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu

 

Năm 2023 là năm tổ chức Đại hội đại biểu HND tỉnh Bắc Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc HND Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Đại hội tiếp tục xác định rõ mục đích xây dựng tổ chức HND vững mạnh, khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc

Để đạt mục tiêu này, tổ chức HND các cấp trong tỉnh cần không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào, nòng cốt là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ đó khơi dậy động lực, thu hút hội viên nông dân vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng. 

 

Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào cần gắn với thực hiện các nội dung về chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội. Phấn đấu các phong trào có bước phát triển mới, thu hút đông đảo hội viên; nhiều hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ cao.

 

Các cấp hội cần làm tốt vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, Nhà nước, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối với nông dân để xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Vận động nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là HTX và doanh nghiệp nông nghiệp, tạo vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho nông sản. 

Ưu tiên đầu tư sản xuất các sản phẩm có thế mạnh, lợi thế, giá trị kinh tế cao, sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của địa phương. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa, tem nhãn, bao bì sản phẩm; xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Tư vấn, hỗ trợ áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hiệu quả để được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP gắn với truy xuất nguồn gốc. 

 

Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Các cấp hội quan tâm chỉ đạo thành lập và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, câu lạc bộ trang trại, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Hằng năm tổ chức bình xét danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi theo đúng quy định. Tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, những mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả tại địa phương; biểu dương, khen thưởng những cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc.

 

Vận động hội viên nông dân giúp đỡ các hộ hội viên khó khăn thông qua các hoạt động hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, tạo việc làm. Hằng năm tổ chức phân loại, làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp cụ thể giúp hội viên, nông dân khó khăn có điều kiện tự vươn lên, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh khá, giỏi.

 

Tiếp tục phát động, hướng dẫn nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm và hưởng thụ. Vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện và giám sát các công trình xây dựng hạ tầng KT-XH ở nông thôn; đảm nhận thực hiện một số việc cụ thể trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tạo nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. 

 

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao và an toàn tín dụng, sử dụng quỹ phải gắn với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề cho nông dân nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo có hiệu quả. 

 

Thực hiện có hiệu quả Đề án "Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho chủ trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang góp phần thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, giai đoạn 2021-2025”. Nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho hội viên nông dân. Quan tâm dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân, tăng cường hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản.

 

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Trung ương HND Việt Nam, các cấp hội và hội viên, nông dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo, khắc phục khó khăn, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu HND tỉnh lần thứ X đề ra, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Bình luận