TP.HCM: Mỗi năm giảm 1.000ha đất nông nghiệp

Bình luận · 209 Lượt xem

Tại TP.HCM, diện tích đất nông nghiệp giảm liên tục hằng năm. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm TP giảm 700ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000ha.

Tại hội thảo, nhiều sản phẩm nông nghiệp, phục vụ cho sản xuất... được các doanh nghiệp mang đến trưng bày - Ảnh: N.TRÍ

Tại hội thảo, nhiều sản phẩm nông nghiệp, phục vụ cho sản xuất... được các doanh nghiệp mang đến trưng bày - Ảnh: N.TRÍ

Tại Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 6-10, TS Phạm Đình Dũng - trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP) - cho biết TP.HCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đô thị hóa diễn ra rất nhanh, đặc biệt trong 15 năm gần đây. Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi lớn trong phát triển nông nghiệp.

Theo TS Dũng, hiện trên địa bàn TP, diện tích đất nông nghiệp giảm liên tục hằng năm. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm TP giảm 700ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000ha.

Tuy nhiên, giá trị sản xuất trên 1ha đất vẫn tăng hằng năm. Năm 2015, giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 375 triệu đồng/ha/năm.

  • Hà Nội chuyển đổi gần 300ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp

"Tính chung cả giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đạt khoảng 500 triệu đồng/ha. TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha/năm", TS Dũng thông tin.

Theo Trung tâm AHTP, GRDP ngành nông nghiệp TP.HCM tăng từ 3.413 tỉ đồng (năm 2010) lên 4.462 tỉ đồng năm 2015. Kết quả này giúp tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,51%/năm và tăng lên 5.268 tỉ đồng năm 2020, đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,38%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP nông nghiệp cả nước (2,54%/năm).

Theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ giúp nông dân TP.HCM tăng cao thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra thêm nhiều cơ hội ngành nghề, việc làm ở khu vực ngoại thành.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội lớn để phát triển.

Tuy vậy, để tận dụng tốt các lợi thế, TP cần xây dựng, triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, chính sách khuyến khích hộ nông dân sử dụng dịch vụ của hợp tác xã góp phần hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết giữa hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với doanh nghiệp...

Về thị trường, cần tăng liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm của TP với các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong và ngoài TP, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Kết nối thị trường, tạo liên kết vùng đã dần hình thành các chuỗi cung ứng lớn và bền vững, từ đó giảm thiểu các hiện tượng bếp bênh về thời vụ.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP.HCM, trên cơ sở định hướng, thời gian tới, TP sẽ tập trung triển khai một số giải pháp như thống nhất chủ trương, hoàn thiện chính sách; quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Với những mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra, lãnh đạo TP mong muốn đến năm 2030, ít nhất 70% sản xuất nông nghiệp của TP được ứng dụng công nghệ cao.

Bình luận