Siết hoạt động vận chuyển động vật ngoại tỉnh

Bình luận · 203 Lượt xem

Cùng với kiểm soát giết mổ, tiêm phòng vacxin, việc siết chặt công tác kiểm dịch ngoại tỉnh đối với gia súc, gia cầm được cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Cán bộ chốt kiểm dịch Nam Thừa Thiên Huế phun khử khuẩn cho phương tiện vận chuyển động vật nuôi. Ảnh: Công Điền.

Cán bộ chốt kiểm dịch Nam Thừa Thiên Huế phun khử khuẩn cho phương tiện vận chuyển động vật nuôi. Ảnh: Công Điền.

Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có dân số khá đông, đặc biệt thành phố Huế là đô thị trung tâm của  khu vực nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm động vật hàng ngày của người dân rất lớn.

Tuy nhiên lĩnh vực chăn nuôi của địa phương này chưa phát triển nên khả năng đáp ứng tại chỗ vẫn còn hạn chế nên nhu cầu nhập các sản phẩm động vật đông lạnh và động vật sống từ các tỉnh thành lân cận để giết mổ, tiêu thụ là rất lớn.

Điều này làm gia tăng áp lực quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa phương, nhất là đối với số lượng gia súc, gia cầm nhập về từ các địa phương khác.

Để thực hiện kiểm tra, kiểm dịch với việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ngoài tỉnh vào địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 2 chốt gồm: chốt kiểm dịch động Nam Thừa Thiên Huế (đóng tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) và chốt kiểm dịch động vật Bắc Thừa Thiên Huế (đóng tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền).

Tại mỗi chốt thường xuyên có 2 nhân viên túc trực 24/24h để kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa phương. Trong đó, một cán bộ địa phương cắm chốt và một cán bộ tăng cường từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Ngoài kiểm tra các thủ tục bắt buộc, phương tiện vận chuyển lợn được phun khử khuẩn trước khi nhập vào Thừa Thiên Huế. Ảnh: Công Điền.

Ngoài kiểm tra các thủ tục bắt buộc, phương tiện vận chuyển lợn được phun khử khuẩn trước khi nhập vào Thừa Thiên Huế. Ảnh: Công Điền.

Anh Bùi Văn Tuyển, cán bộ chốt kiểm dịch động vật Nam Thừa Thiên Huế chia sẻ, công việc tại chốt chủ yếu kiểm tra, đóng dấu cho phép vận chuyển động vật nuôi từ các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên vào địa phương để giết mổ.

Do các lò mổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu nhập nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam nên công việc của cán bộ tại chốt kiểm dịch động vật Nam Thừa Thiên Huế khá bận rộn, nhất là vào thời gian cao điểm dịp lễ, tết.

Để giúp công việc kiểm tra được nhanh chóng, Chi cục thường xuyên cử 1 cán bộ kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch giúp các chủ xe đưa lợn đi tiêu thụ một cách nhanh chóng, tránh tình trạng ách tắc vì thiếu người.

Theo anh Lê Văn Hoàng, cán bộ chốt kiểm dịch động vật Bắc Thừa Thiên Huế, thời gian qua khi rộ lên tình trạng nhập lậu gia cầm tại các tỉnh phía Bắc, lực lượng tại chốt luôn nâng cao tinh thần không để sót phương tiện nhập động vật ngoại tỉnh vào địa phương khi chưa được kiểm tra.

Theo quy định, khi các phương tiện vận chuyển động vật từ địa phương khác vào Thừa Thiên Huế sẽ thông báo đến chốt. Các cán bộ tại chốt sẽ thực hiện kiểm tra lâm sàng đàn vật nuôi khỏe mạnh, không có biểu hiện mắc bệnh.

Cùng với đó, một yêu cầu bắt buộc là chủ phương tiện phải xuất trình chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (hoặc trang trại phải đủ điều kiện vệ sinh thú y). Riêng đối với lợn phải có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi mới được phép vận chuyển vào địa phương.

Sau khi kiểm tra xong, thùng xe phải được cán bộ thú y niêm phong; lô hàng được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật mới được chở đến nơi tiêu thụ.

Ngoài kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật từ ngoại tỉnh vào địa phương, lực lượng chức năng còn chú trọng việc phun khử khuẩn tại các cơ sở giết mổ gia súc để đề phòng dịch bệnh. Ảnh: Công Điền.

Ngoài kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật từ ngoại tỉnh vào địa phương, lực lượng chức năng còn chú trọng việc phun khử khuẩn tại các cơ sở giết mổ gia súc để đề phòng dịch bệnh. Ảnh: Công Điền.

Tuy nhiên, theo anh Hoàng, hiện nay vẫn còn có tình trạng các chủ phương tiện không khai báo khi nhập động vật nuôi vào địa phương. Mặc dù chỉ là trường hợp cá biệt nhưng điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, theo anh Hoàng, để tránh nguy cơ phát tán dịch thì ý thức của các chủ phương tiện vận chuyển động vật vẫn là điều kiện tiên quyết.

“Theo quy định, gia súc, gia cầm vận chuyển ngoại tỉnh mới phải kiểm dịch nên một số người lợi dụng điều này để trốn tránh kiểm dịch gia súc, gia cầm ra hoặc vào tỉnh”, anh Hoàng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bên cạnh một số biện pháp như kiểm soát chặt chẽ cơ sở giết mổ, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng..., việc kiểm dịch động vật vận chuyển ngoại tỉnh đúng quy trình, chú trọng đến việc kiểm dịch tận gốc, nắm rõ thông tin xuất xứ luộn đơn vị luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Chính điều này đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương. Minh chứng là từ đầu năm đến nay mặc dù dịch bệnh trong cả nước diễn biến phức tạp nhưng tại tỉnh Thừa Thiên Huế không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục...

“Lãnh đạo chi cục luôn yêu cầu các cán bộ tại chốt kiểm dịch phải ý thức và chấp hành việc kiểm tra đầy đủ thông tin hai chiều nơi xuất và nơi nhập của động vật nuôi.

Nếu trong tình huống xảy ra dịch, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các đầu mối giao thông, chốt kiểm dịch động vật trên tuyến Quốc Lộ 1A ở 2 đầu tỉnh nhằm đề phòng, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan”, ông Hưng thông tin.

Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc nhập gia súc, gia cầm giống ngoại tỉnh để phát triển chăn nuôi gồm 22 bò, 94 lợn hậu bị, 33.600 lợn giống, 136.5000 gà giống, trên 2,2 triệu quả trứng giống.

Đối với gia súc, gia cầm nhập về địa phương để giết mổ, tiêu thụ, đến nay Thừa Thiên Huế đã nhập 2.600 bò thịt, 168.400 lợn thịt, 103.500 gia cầm thịt và 1.000 tấn sản phẩm động vật đông lạnh.

 
Bình luận