Tiết kiệm chi phí và giảm phát thải - hai yếu tố song hành
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn từ các vấn đề nội tại cũng như các yếu tố khách quan. Đã đến lúc Việt Nam cần chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm nói chung và chuỗi giá trị thanh long nói riêng sang chuỗi giá trị cao hơn, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước bối cảnh khó khăn của ngành hàng thanh long, Bộ NN-PTNT cũng như các địa phương, hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, HTX đã có nhiều động thái nhằm "lấy lại ngôi vương" cho trái cây này, hướng đến phát triển bền vững, "xanh hóa" và giảm phát thải, chinh phục chính thị trường 100 triệu dân trong nước và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Để hỗ trợ các HTX và nông dân, 3 năm qua, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã triển khai dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam”. Qua đó, đã đồng hành với nhiều bà con, HTX trồng thanh long tại Bình Thuận theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải.
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, qua 3 năm được dự án của UNDP hỗ trợ, nhiều HTX như HTX thanh long Thuận Tiến; HTX thanh long sạch Hòa Lệ; HTX Dịch vụ - Sản xuất thanh long Hàm Kiệm; HTX Dịch vụ - Sản xuất thanh long Hàm Minh 30… đã nắm được những lợi ích của việc sản xuất giảm phát thải, qua đó giúp giảm chi phí tiền điện và nhiều chi phí sản xuất khác, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm sâu bệnh hại.
Dự án cũng giúp thúc đẩy chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ lúc trồng đến thu hoạch; giúp bà con nông dân định hình cho sự phát triển thanh long xanh, sạch, bền vững trong tương lai.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây ăn quả và Cây công nghiệp (Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT) cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Bộ NN-PTNT đã "đặt bài" cho Cục Trồng trọt hoàn thiện quy trình canh tác tiết kiệm chi phí, giảm đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới phát triển xanh và trong 6 tháng phải hoàn thiện quy trình này.
“Chúng tôi đã xây dựng quy trình này và gửi đến các địa phương. Trong quy trình này, lượng phân bón cho thanh long có thể giảm từ 15 - 20%, thậm chí có những loại phân bón giảm đến 25% so với canh tác thông thường. Các hóa chất bảo vệ thực vật cũng đều giảm.
Đặc biệt, hiện nay nông dân và các HTX đã chuyển sang sử dụng đèn led để chong cho thanh long, giúp tiết kiệm được khoảng 60% điện năng trong sản xuất. Có thể nói, quy trình đã cắt giảm được rất nhiều chi phí đầu vào. Việc giảm vật tư đầu vào này cũng sẽ tác động trực tiếp đến việc giảm phát thải, hướng tới phát triển xanh”, ông Mạnh phân tích.
Đảm bảo truy xuất "dấu chân carbon"
Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (Tổ chức Vận hành hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia Việt Nam) cho rằng, để tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản - thực phẩm toàn cầu, sản xuất nông nghiệp nói chung, thanh long nói riêng cần phải đáp ứng được nhiều yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, đó không chỉ là các yêu cầu căn bản về an toàn thực phẩm, yêu cầu kiểm dịch..., mà còn phải hướng tới các yêu cầu về phát triển bền vững như giảm phát thải, chống mất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái...
Do đó, sản xuất thanh long của Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi trong toàn chuỗi giảm phát thải. Cụ thể, giai đoạn 1 (2 năm đầu, chưa thu hoạch) là từ lúc bắt đầu xây dựng vườn thanh long, làm đất, chôn trụ, vận chuyển, bón phân, tưới nước, chăm sóc; giai đoạn 2 bắt đầu từ năm thứ 3 trở đi (giai đoạn cho thu hoạch) và trong quá trình này vẫn phải bón phân, chăm sóc, sử dụng rất nhiều nguyên liệu đầu vào…; giai đoạn 3 là vận chuyển, sơ chế, chế biến…
"Phát thải phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta sử dụng nguyên liệu đầu vào, cách chúng ta canh tác, cách sử dụng nhiều điện năng, phân bón, vận chuyển, các vật tư...", ông Phương nói và cho biết, mức phát thải sau kho lạnh tính trên mỗi kilogam quả thanh long như sau: Mô hình truyền thống khoảng 1kg CO2/1kg quả; VietGAP là 0,97kg CO2/1kg quả; hữu cơ là 0,98 và GlobalGAP là 0,78.
Theo ông Phương , sản lượng thanh long của toàn tỉnh Bình Thuận hiện khoảng 600.000 tấn/năm, như vậy theo tính toán sẽ phát thải khoảng nửa triệu tấn CO2/năm. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để giảm lượng phát thải này?
Thứ nhất, phải cải thiện việc sử dụng điện năng để dùng trong chiếu sáng, chong đèn cho cây thanh long, chuyển từ bóng đèn compact có công suất lớn sang bóng đèn led, điều này có thể giảm tới 68% lượng phát thải từ tiêu thụ điện năng.
Thứ hai, cần nâng cao hiệu quả phân bón, hạn chế tối thiểu lãng phí, bón khpa học, vừa đủ nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng, qua đó sẽ giảm được phát thải. Thứ ba, cần trồng thêm cây lâm nghiệp, cây gỗ vào bất cứ nơi nào trống ở khu vực vườn trồng thanh long, bao gồm cả các đường bao.
Qua kết quả tính toán các giai đoạn trong toàn chuỗi sản xuất thanh long, dự án của UNDP đã đo được lượng phát thải tính cho 1ha trồng thanh long ở mỗi mô hình là khác nhau, như GlobalGAP là 2,7 tấn CO2; mô hình hữu cơ là 5,1 tấn CO2; mô hình VietGAP là 3,7 tấn và mô hình truyền thống là 4,4 tấn.
Ông Vũ Tấn Phương cũng nhấn mạnh, yêu cầu của thị trường, công nghệ thông tin, thương mại thay đổi rất nhiều, đòi hỏi mỗi HTX, doanh nghiệp... phải thực hiện chuyển đổi số, minh bạch thông tin trong toàn bộ chuỗi sản xuất bao gồm tất cả các vấn đề trong nhật ký sản xuất như sử dụng loại phân bón gì, hóa chất gì… Phải đảm bảo minh bạch, đầy đủ thông tin trong chuỗi sản xuất và truy xuất được theo nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, các ngành chức năng ở địa phương cũng phải quản lý được toàn bộ hệ thống sản xuất của các hợp tác xã, doanh nghiệp... để nắm bắt tình hình sản xuất, có những chủ động thay đổi, điều chỉnh và định hướng phù hợp, linh hoạt. Qua đó, giúp minh bạch các vấn đề liên quan đến "dấu chân carbon", đảm bảo phát triển theo chuỗi bền vững.
"Chuyển đổi số là vấn đề rất lớn của ngành, đặc biệt liên quan đến việc tính toán dấu vết carbon. Chúng ta cần có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là của Bộ NN-PTNT, các cơ quan quản lý ở cấp địa phương để định hướng đảm bảo cho việc tính toán giảm phát thải trong sản xuất thanh long. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức, nhà tài trợ để có đầu tư ban đầu nhằm xây dựng phần mềm, hệ thống quản lý về giảm phát thải. Cùng với đó là tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức cho tất cả các bên liên quan để sau này tự vận hành, tự kết nối, tự cập nhật, tự giám sát… trong sản xuất thanh long theo hướng giảm phát thải", ông Phương nói.
Nghiên cứu chuỗi giá trị thanh long giảm phát thải
Tại Hội nghị “Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam” do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) và UNDP phối hợp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, lợi thế cạnh tranh của thanh long Việt Nam là khí hậu, thổ nhưỡng và quy trình sản xuất, nếu tận dụng và làm tốt quy trình thì thanh long Việt Nam không sợ cạnh tranh với bất cứ nước nào.
Theo Thứ trưởng Nam, quan điểm của Bộ NN-PTNT là không tăng diện tích sản xuất thanh long, mà vẫn giữ ở mức 60.000 - 65.000ha, sản lượng khoảng 1,3 - 1,5 triệu tấn/năm. Đặc biệt, sẽ tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, áp dụng các quy trình tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Để phát triển thanh long bền vững giảm phát thải, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần phải tập trung vào quy trình sản xuất đảm bảo an toàn; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất và xây dựng được chuỗi cung ứng logictis cho thanh long. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thanh long Việt Nam, xây dựng thương hiệu thanh long Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thứ trưởng Nam đề nghị phía UNDP tập hợp lại các kết quả đã đạt được từ dự án của UNDP đang triển khai tại Việt Nam để tham mưu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ chương trình giảm phát thải khí nhà kính trong chuỗi giá trị thanh long.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị để sản xuất thanh long bền vững hướng tới tín chỉ carbon, trong hoạt động, UNDP có thể lồng ghép để hỗ trợ cho lực lượng khuyến nông cộng đồng và trung tâm khuyến nông các tỉnh nhằm nâng cao trình độ, năng lực của lực lượng này, qua đó họ có thể hỗ trợ bà con nông dân tại địa phương.
Thứ trưởng Nam cũng giao Viện Cây quả miền Nam phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho Bộ NN-PTNT đề tài nghiên cứu về xây dựng chuỗi giá trị thanh long giảm phát thải, phát triển bền vững tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.
Nguyễn Thủy