Khởi động Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11

Bình luận · 211 Lượt xem

Sáng 6/10, họp báo về Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 được tổ chức tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, khởi động chuỗi sự kiện từ 9-13/10.

 

Ngày 6/10, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Họp báo giới thiệu về Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và các hoạt động trong năm Chủ tịch 2023 của Việt Nam với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu - ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”.

 

Đồng chủ trì họp báo có ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam và bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh.

 

Kết quả dự kiến của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai

Theo dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 sẽ thông qua “Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN”. Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất xây dựng, góp phần tạo nên dấu ấn của nước ta trong năm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong quản lý thiên tai.

Bên cạnh đó, các hội nghị, cuộc họp diễn ra trong tuần họp từ ngày 9 - 12/10 sẽ thông qua:

 

- Biên bản Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11, Hội nghị lần thứ 12 các Bên tham gia Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (Hiệp định AADMER) và các cuộc họp AMMDM + Hàn Quốc, AMMDM + Trung Quốc, AMMDM + Nhật Bản.

 

- Biên bản họp thường niên lần thứ 42, 43 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) các cuộc họp liên quan.

 

- Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình công tác Hiệp định AADMER giai đoạn 2021 - 2025, góp phần định hướng cho việc xây dựng tầm nhìn ASEAN về Quản lý thiên tai sau năm 2025 cũng như Chương trình công tác Hiệp định AADMER giai đoạn 2025 - 2030.

 

Chuỗi hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 có sự tham dự của 8 Bộ trưởng, 4 Thứ trưởng và hơn 140 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA), các đối tác phát triển của ASEAN (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số tổ chức quốc tế trong khu vực. Đông Timor tham dự với vai trò quan sát viên tại hội nghị.

 

- Ngày 6/10/2023: Họp báo giới thiệu Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 và các hoạt động liên quan.

 

- Ngày 8/10/2023: Giải chạy bộ hưởng ứng Ngày ASEAN Quản lý thiên tai được tổ chức tại bãi biển Hòn Gai, thành phố Hạ Long; với sự tham gia của 1.000 vận động viên tham gia.

 

- Ngày 9 - 11/10/2023: Họp thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), các cuộc họp ACDM + Trung Quốc, ACDM + Nhật Bản, ACDM + Hàn Quốc, Họp lần thứ 19 Ban quản trị Trung tâm AHA; Diễn đàn ASEAN lần thứ 4 về tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.

 

- Ngày 12/10/2023: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, các Hội nghị AMMDM + Trung Quốc, AMMDM + Nhật Bản, AMMDM + Hàn Quốc.

 

- Ngày 13/10/2023: Sự kiện hưởng ứng Ngày ASEAN Quản lý thiên tai và Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2023 tại trường Tiểu học và THCS Bãi Cháy (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

 

Hỗ trợ thông tin tối đa cho báo chí

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, nhiều đồng nghiệp đã tham dự các sự kiện quốc tế lớn hiểu được về không gian tác nghiệp.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, với hội nghị lần này, để đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời đến các bạn đồng nghiệp báo chí, Phòng thông tin của Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai sẽ cung cấp thông cáo báo chí và thông tin hàng ngày đến báo chí sau mỗi ngày sự kiện diễn ra.

 

"Đây là dịp nhiều đại biểu quốc tế khách quý trong nội khối về tham dự, đề nghị các bạn đồng nghiệp căn cứ chương trình cụ thể gửi câu hỏi về Ban tổ chức để chúng tôi sắp xếp không gian cụ thể, mời các bạn đồng nghiệp có thể tác nghiệp và có các bài phỏng vấn, trao đổi trực tiếp. Không gian tác nghiệp trực tiếp chủ yếu là buổi khai mạc và các lễ kỷ niệm, Ban tổ chức sẽ công bố lịch cụ thể để các bạn đồng nghiệp chủ động đăng ký tác nghiệp tại các sự kiện mở này", ông Thạch cho biết.

 

Cơ hội lớn cho người dân Quảng Ninh nâng cao nhận thức

 

Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT-TT Quảng Ninh khẳng định chuỗi sự kiện lần này là cơ hội rất lớn cho người dân của tỉnh được nâng cao nhận thức, chung tay hành động vì mục tiêu quốc gia.

 

Quảng Ninh được Bộ NN-PTNT lựa chọn làm tổ chức chuỗi sự kiện lần này là cơ hội rất lớn cho người dân của tỉnh được nâng cao nhận thức, chung tay hành động vì mục tiêu quốc gia, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT-TT Quảng Ninh khẳng định.

 

Theo bà, Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 244 ngày 29/9 để phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và các hoạt động trong năm Chủ tịch 2023 của Việt Nam.

 

Kế hoạch xác định rõ các hoạt động hưởng ứng của Quảng Ninh phải đảm bảo an toàn, phù hợp với sự kiện, dù chỉ là các hoạt động bên lề nhưng cần đảm bảo được tính lan tỏa.

 

Quảng Ninh sẽ hỗ trợ Ban tổ chức đón tiếp đoàn đại biểu, chỉ đạo các cơ quan liên quan đảm bảo sự an toàn của sự kiện. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN có số lượng đại biểu đông đến như vậy nên Quảng Ninh rất cẩn trọng trong khâu phối hợp hỗ trợ Ban tổ chức.

 

Văn phòng JICA Việt Nam thị sát trạm radar đập Bình Điền cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

 

Hiện nay, các đối tác ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có nhiều kinh nghiệm và đang giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai. Ông Phạm Đức Luận cho biết, Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng hệ thống điều hành lũ thông minh tại Thừa Thiên - Huế và được địa phương đánh giá rất cao. Hệ thống radar của dự án này có thể xác định rõ được các khu vực sẽ có mưa và từ đó đưa ra được phương án ứng phó phù hợp.

 

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng đập sabo để phòng chống lũ quét bằng cách ngăn chặn đất đá, chỉ cho nước chảy qua và đang thí điểm tại Sơn La. “Chúng ta đã đưa 2 đoàn cán bộ của Việt Nam sang Nhật Bản để học tập kinh nghiệm triển khai công nghệ này”, ông Phạm Đức Luận cho biết thêm. Ngoài ra, Hội An, cũng đang phối hợp với chuyên gia Nhật Bản để làm quy hoạch phòng chống lũ cho khu vực này.

 

Với Trung Quốc, Bộ NN-PTNT đang xây dựng biên bản ghi nhớ với đối tác Trung Quốc về hợp tác trong phòng chống thiên tai và ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố.

 

Về phía Hàn Quốc, hai nước đang phối hợp để đào tạo cán bộ về công tác phòng chống thiên tai và Hàn Quốc đang hỗ trợ 2 dự án cho Việt Nam gồm “Nâng cao năng lực cộng đồng” và “Công nghệ thông tin cảnh báo lũ”.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 10, năm 2022 tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: PH.

 

Ông Phạm Đức Luận cho biết, toàn bộ hoạt động của Việt Nam đã được giới thiệu rõ đầu Họp báo. Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai được thành lập 20 năm.

 

Đã có nhiều thiên tai xảy ra, phải mất nhiều năm mới khắc phục được, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp. Hiệp định đã nêu ra tất cả các giải pháp, trong giai đoạn 2010 – 2015, Hiệp định đã triển khai các giải pháp đó rất hiệu quả.

 

Sau đó, Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai đã tham mưu để các quốc gia ASEAN ký kết thành lập Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ thiên tai. Sau khi các cơn bão lớn đổ bộ, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ thiên tai đã hỗ trợ nhân đạo các quốc gia bị ảnh hưởng.

 

Theo luân phiên, năm 2023, Việt Nam giữ vai trò chủ tịch và sẽ tổ chức một chuỗi các sự kiện từ 3-12/10 nhằm hưởng ứng năm chủ tịch của Việt Nam, với nhiều hoạt động. Trong đó, tập trung vào ngày 9-11/10 sẽ diễn ra Họp thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), các cuộc họp ACDM + Trung Quốc, ACDM + Nhật Bản, ACDM + Hàn Quốc; Họp lần thứ 19 Ban quản trị Trung tâm AHA và Diễn đàn ASEAN lần thứ 4 về tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.

 

Đặc biệt, ngày 12/10 sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, các Hội nghị AMMDM + Trung Quốc, AMMDM + Nhật Bản, AMMDM + Hàn Quốc.

 

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai nói, hành động sớm là khái niệm mới mẻ đối với chúng ta, đây là những hoạt động được triển khai trong giai đoạn phòng ngừa, triển khai sớm Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.

 

Ví dụ như khi nhận biết bão đang ở Philippines nhưng thông qua các dự báo, Cục đã kêu gọi bà con rời tàu thuyền về bờ, tăng cường công tác thông tin truyền thông đại chúng, kết nối zalo đến từng người dân. Cục cũng xây dựng đội xung kích cơ sở, để kịp thời giúp đỡ người dân ở địa phương sơ tán, giảm thiểu tác động của lũ quét hay sạt lở đất.

 

Theo ông Phạm Đức Luận, trước đây, Việt Nam thiệt hại trung bình mỗi năm là 1-1,5%GDP, 400 người chết. Từ năm 2017 đến nay thiệt hại giảm 20%, năm 2022 chỉ thiệt hại trên 5.000 tỷ, 200 người chết.

 

Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai thiệt hại thống kê đầy đủ chi tiết từng năm, trong đó nêu đầy đủ thiệt hại kinh tế và người. Trong 5 năm vừa qua, con số thiệt hại đã giảm nhiều nhờ chuyển từ bị động sang chủ động ứng phó.

 

Ví dụ như thống kê thiệt hại trên tàu thuyền trên biển của Việt Nam trước đây rất lớn, nhưng từ năm 2012 đến nay hầu như không có thiệt hại về người trên biển nhờ chủ trương “tính mạng con người là trên hết, hạn chế tối đa”.

 

Sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao, ủng hộ hoàn toàn

Trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến “Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN”, dự kiến sẽ được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM), ông Phạm Đức Luận cho biết: “Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất xây dựng, góp phần tạo nên dấu ấn của nước ta trong năm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong quản lý thiên tai, được tất cả các nước ASEAN đánh giá rất cao và đồng thuận”.

 

Chia sẻ sâu hơn về nội dung của tuyên bố, ông Phạm Đức Luận nói việc hành động sớm trong phòng chống thiên tai đã được Việt Nam triển khai từ lâu và mang lại hiệu quả cao trong giảm thiểu thiệt hại với các hoạt động cảnh báo, dự báo.

 

Ví dụ, các công trình được xây dựng sớm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai hay như chủ động nâng cao năng lực cộng đồng để người dân có thể đối phó với thiên tai một cách hiệu quả hơn.

 

Bên cạnh đó, Cục trưởng Phạm Đức Luận cũng đưa ví dụ về dự án phối hợp với FAO để cấp tiền cho người dân trong vùng nguy cơ cao để có thể chủ động mua sắm lương thực, vật dụng thiết yếu để sử dụng trong thiên tai trong giai đoạn đầu, khi chưa có các hoạt động cứu trợ.

 

Được biết, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 là hội nghị có sự tham gia đông nhất của lãnh đạo các quốc gia liên quan từ trước đến nay. Thông qua sự kiện này, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ về các sáng kiến mà chúng ta đưa ra, bên cạnh đó là lan tỏa kinh nghiệm về ứng phó, hành động sớm đối với thiên tai của Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng thông điệp của Hội nghị là hướng tới việc hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 về Quản lý thiên tai sẽ được lan tỏa rộng rãi.

 

Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam tin tưởng rằng, với sự tham gia đông đủ, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan báo chí sẽ lan tỏa sâu sắc những thông điệp quan trọng của Hội nghị khi Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, các phiên họp thường niên của ACDM và tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

 

"Việt Nam - đất nước của “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm khoảng 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.

 

Và mỗi chúng ta ngồi đây là những người thấm thía nhất những mất mát, đau thương mà thiên tai gây ra cho đất nước, cho làng quê và cho chính những người thân thương của chính mình", Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ với các đồng nghiệp.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, với sự tham gia tích cực, trách nhiệm cao của các đồng nghiệp nhà báo, những thông điệp của Hội nghị là hướng tới việc hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 về Quản lý thiên tai sẽ được lan tỏa rộng rãi.

 

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận phát biểu khai mạc họp báo.

 

Tại họp báo, đại diện Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai giới thiệu những thông tin tổng quan về chuỗi sự kiện. Theo đó, từ ngày 8-13/10/2023, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và các phiên họp liên quan của ACDM, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (AHA) và các hoạt động hưởng ứng năm Chủ tịch 2023 của Việt Nam và Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai - Ngày ASEAN Quản lý thiên tai năm 2023 (13/10/2023).

 

Theo Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận, Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và dự báo sẽ phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ. Chính vì vậy, “Quản lý rủi ro thiên tai” là nội dung hợp tác được các quốc gia ASEAN chú trọng từ nhiều năm nay, thông qua nhiều công cụ và cơ chế phối hợp.

 

Trong đó, Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực và có uy tín cao trong khối ASEAN, trong đó hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai là một nội dung hợp tác của ASEAN trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Hiện, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai là cơ quan đầu mối tham gia các cơ chế hợp tác khu vực về quản lý thiên tai.

 

Theo trình tự luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, năm 2023, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, các phiên họp thường niên của ACDM và tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

 

“Đây vừa là trọng trách và cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động dẫn dắt, nâng cao vị thế, thể hiện vai trò trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung. Bên cạnh đó, việc đảm nhận vai trò Chủ tịch sẽ giúp Việt Nam tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực từ các đối tác và cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam và góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN có khả năng chống chịu với thiên tai, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và khu vực”, ông Phạm Đức Luận nhấn mạnh.

 

Nhóm PV thời sự

Bình luận