Đoàn đến thăm HTX rau sạch Yên Dũng (huyện Yên Dũng), một trong
số ít những đơn vị tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang tiên phong trong phát triển nông nghiệp thông minh, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học khép kín và công nghệ hiện đại trong sản xuất.
HTX Yên Dũng được thành lập từ năm 2016, diện tích sản xuất ban đầu chỉ vỏn vẹn 14ha. Đến nay, HTX đang “sở hữu” tổng diện tích canh tác hơn 60ha, trong đó có 12ha chăm sóc theo mô hình nhà lưới công nghệ cao và bón phân tự động
Trao đổi với đoàn, chị Linh, đại diện HTX rau sạch Yên Dũng, cho biết, HTX đầu tư trang thiết bị hiện đại trong nhà màng như: hệ thống lưới cắt nắng, quạt thông gió, rèm mành chắn gió, hệ thống tưới và bón phân tự động của Israel giúp giảm 50% chi phí nhân công, tiết kiệm 30% phân bón, 60% nước tưới.
“HTX áp dụng quy tắc sản xuất 5 không: không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không thuốc diệt cỏ, không biến đổi gen và không kích thích tăng trưởng. Chính điều đó đã giúp HTX phát triển bền vững”, chị Linh khẳng định.
Đặc biệt, HTX rau sach Yên Dũng thực hiện sản xuất rau đúng quy định về sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên mỗi thửa ruộng đều được gắn bảng, biển hiệu để nhận biết. Với những lô, thửa khi sử dụng thuốc BVTV đều được gắn biển cảnh báo phun thuốc để theo dõi, đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm.
Về lợi nhuận, chị Linh chia sẻ, sau gần 7 năm hoạt động, HTX xây dựng được hơn 35.000m2 nhà lưới công nghệ cao, ứng dụng công nghệ linh hoạt trong sản xuất. Năm 2022, doanh thu của HTX đã đạt khoảng 40 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng. Tạo việc làm cho 85 lao động với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Tiếp đó, Đoàn đến thăm mô hình chăn nuôi tuần hoàn của anh Hoàng Đình Quê, thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, một trong 10 người được vinh danh công dân Bắc Giang ưu tú năm 2022.
Trao đổi với đoàn công tác, anh Quê cho biết, gia đình đang nuôi hơn 2.500 con lợn theo mô hình tuần hoàn. Sử dụng khí gas từ chất thải chăn nuôi chạy máy phát điện, đun nấu hoặc cung cấp nhiệt cho các hoạt động của trang trại, góp phần xử lý triệt để chất thải từ gia súc, gia cầm (mỗi năm tiết kiệm 300 - 350 triệu đồng tiền điện).
Bên cạnh đó, anh dùng chất thải rắn từ chăn nuôi lợn, gia cầm để nuôi giun (trùn) quế, sinh khối giun phục vụ chăn nuôi, giúp giảm chi phí mua thức ăn, phân trùn quế được bán phục vụ hoạt động trồng trọt (mỗi năm cho thu lãi 250 - 300 triệu đồng).
“Nước thải từ hầm khí gas khi đem phân tích đủ điều kiện phục vụ lại trồng trọt (tưới cây) và chăn nuôi (rửa chuồng trại). Đây là mô hình chăn nuôi tuần hoàn được Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá giảm tối đa về ô nhiễm môi trường từ trang trại chăn nuôi”, anh Quê chia sẻ.
Đánh giá cao những mô hình nông nghiệp sạch tại huyện Yên Dũng, ông Phan Huy Thông, cho biết, thời gian tới, Hội Làm vườn sẽ định hướng hội viên, nông dân sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị, để đưa vào chương trình phổ biến kiến thức, cũng như nâng cao tay nghề làm vườn cho nông dân.