Từ ‘phi nông bất ổn’ đến nền nông nghiệp quốc gia [Kỳ 2]: Liên kết chặt chẽ giữa ‘6 nhà’ trong phát triển bền vững nông

Bình luận · 203 Lượt xem

Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chân lý ‘phi nông bất ổn’ tiếp tục được khẳng định vững chắc.

Trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề khác như công nghiệp, dịch vụ, du lịch, sản xuất,… bị tác động nặng nề bởi đại dịch, hàng ngàn nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất thì sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, thậm chí nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra.

 

Sản xuất nông nghiệp duy trì đã cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho từng gia đình và giúp Chính phủ ổn định giá sinh hoạt, góp phần chống lạm phát. Việt Nam tiếp tục duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, củng cố cán cân thương mại, góp phần cân bằng kinh tế vĩ mô. Nông nghiệp, nông thôn trở thành tấm phao cứu sinh hiệu quả, “hấp thụ” các tác động bất lợi, che đỡ cho mảng đô thị, công nghiệp của đất nước.

 

Hình ảnh dòng người hồi hương trở về quê hương gắn bó với ruộng đồng cũng cho thấy nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Lúc này, nông nghiệp, nông thôn chính là “bệ đỡ” về an sinh cho nông dân; giúp cho nhiều người lao động có thể ổn định đời sống và tâm lý trong lúc khó khăn. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân vì thế đã thêm một lần được khẳng định về vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế, cũng như xã hội hiện nay.

 

Vị thế, vai trò cũng như thành tựu trong phát triển nông nghiệp là quan trọng và cơ bản, nhưng bên cạnh đó nền nông nghiệp của chúng ta cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức và bộc lộ những hạn chế trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Nông nghiệp khởi sắc nhưng chưa thật sự bền vững, chúng ta tận dụng và ứng dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp hiệu quả, nhanh nhạy nhưng chưa có những nghiên cứu cơ bản và thành tựu đáng kể.

Mặc dù Việt Nam có thế mạnh về nhiều loại nông sản, hoa quả nhưng nhiều loại nông sản của chúng ta lép vế ngay trên sân nhà trước nhiều loại trái cây, nông sản của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc… Bên cạnh đó nông sản từ Nhật Bản, Úc, Mỹ, hay một số nước châu Âu cũng đang từng bước chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong nước. Việc chuyển dịch nguồn lao động, nhất là lao động trẻ từ khu vực nông thôn sang thành thị hay lĩnh vực dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác cũng đang đặt ra không ít thách thức cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Cùng với đó là những thách thức đến từ yếu tố khách quan như tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp của ta phải phù hợp với chuẩn mực và quy ước quốc tế hay Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cộng với sự phát triển và ứng dụng ngày càng mạnh mẽ công nghệ sinh học trong nông nghiệp.

 

Quan điểm của Đảng coi nông nghiệp là “trụ đỡ” là sự kế thừa và phát triển của lịch sử, xuất phát từ chính thực tiễn sự phát triển và những đóng góp của nông nghiệp đối với kinh tế đất nước. Để nông nghiệp thật sự phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình thì cần có giải pháp tổng thể, toàn diện, vừa giải quyết những vấn đề đang đặt ra cũng như chiến lược dài hạn. Trước hết, cần có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng sản xuất nông lâm nghiệp nhằm phát huy các lợi thế so sánh; cơ cấu lại sản xuất nông lâm nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

 

Nâng cao hiệu quả liên kết chặt chẽ giữa “6 nhà” (Nhà nước; nông dân; nhà khoa học; doanh nghiệp; ngân hàng; nhà phân phối) trong phát triển bền vững nông nghiệp công nghệ cao gắn với thay đổi tư duy trong quản lý nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác hay công nghệ cao. Chú trọng tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao (GlobalGAP; chứng chỉ sản phẩm hữu cơ của các nước nhập khẩu), chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC… của các thị trường quan trọng và “khó tính” như Mỹ, châu Âu… Cùng với đó, cần quan tâm ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp và xuất khẩu chính ngạch, khắc phục tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới. Một điểm quan trọng là cần chú ý tháo gỡ nút thắt về chính sách, giải phóng nguồn lực và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông lâm nghiệp quốc gia.

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Nhìn lại lịch sử, đánh giá hiện tại để hoạch định chiến lược cho ngành nông nghiệp luôn là vấn đề thời sự không chỉ ở tầm quốc gia mà còn liên quan đến trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, bảo đảm cho nền nông nghiệp Việt Nam có thể biến thách thức thành thời cơ, phát huy lợi thế, tận dụng cơ hội để phát triển nhanh và bền vững.

Bình luận