Người đưa cà phê đặc sản Đà Lạt lên tầm cao mới

Bình luận · 239 Lượt xem

Để nâng tầm giá trị cho đặc sản vùng Cầu Đất (TP Đà Lạt), chàng thanh niên 8X dồn tâm huyết, vốn liếng và dấn thân vào hành trình sản xuất cà phê hữu cơ.

"Hồi sinh" vườn cà phê đặc sản

Vừa lái xe máy lắt léo qua những khúc cua trên triền đồi, anh Bùi Xuân Thắng (35 tuổi, Giám đốc Công ty Cà phê Cầu Đất Bean, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) vừa chia sẻ: Vùng Cầu Đất được mệnh danh là nơi của cà phê đặc sản. Đây là vùng đất nổi tiếng với cà phê Moka, cà phê Arabica… Vậy nhưng, người sản xuất cà phê tại đây suốt nhiều năm rơi vào khó khăn, bế tắc do sự biến động tiêu cực của thị trường.

Một góc khu vực 29ha cà phê hữu cơ của Cà phê Cầu Đất Bean. Ảnh: Minh Hậu.

Một góc khu vực 29ha cà phê hữu cơ của Cà phê Cầu Đất Bean. Ảnh: Minh Hậu.

Cà phê không giúp cuộc sống của bà con khấm khá hơn nên nhiều hộ gia đình đã quyết định chuyển đổi qua cây trồng khác, thậm chí có những hộ dân chấp nhận bán vườn, bán nhà cửa, chuyển đến nơi khác tìm kế sinh nhai.

Dựng chiếc xe máy dưới gốc thông trên triền đồi, Bùi Xuân Thắng chỉ tay về con dốc nhỏ trước mặt rồi nói: “Con dốc này nhỏ, ẩm ướt nên rất trơn, không thể chạy xe máy xuống được. Mình để xe lại đây rồi đi bộ xuống. Chỉ khoảng 10 phút là đến vườn”. Vừa đi, Thắng vừa thổ lộ, phần trên của gần 29ha vườn cà phê được bao bọc bởi rừng thông. Chính rừng đã tạo ra không gian vườn xanh mát, tạo vùng đệm lý tưởng cho nông nghiệp hữu cơ. Cũng ở các khu vực giáp ranh vườn - rừng này, về mùa mưa, người dân tìm được rất nhiều nấm đông trùng hạ thảo.

Bùi Xuân Thắng từng gắn bó với công việc kinh doanh ở TP.HCM và đến năm 2014, anh quyết định “khăn gói” lên vùng Cầu Đất (TP Đà Lạt) lập nghiệp. Đam mê với nông nghiệp nên Thắng dùng tất cả vốn liếng tích cóp được mua miếng vườn nhỏ sản xuất cà phê. Anh thổ lộ: “Trước khi bắt tay vào trồng cà phê, tôi đã tìm tòi, học hỏi, tham khảo các tài liệu từ cơ bản đến khoa học chuyên sâu. Tuy nhiên, khi trực tiếp sản xuất thì xuất hiện rất nhiều vấn đề phức tạp, không xử lý nổi. Đã có lần, tôi phải tìm gặp những nông dân kinh nghiệm tại địa phương để nắm bắt thông tin và xin được sự trợ giúp”.

Vườn cà phê tái canh với quy trình hữu cơ tại nông trại của anh Bùi Xuân Thắng đã cho kinh doanh với năng suất 3 - 3,5 tấn nhân/ha. Ảnh: Minh Hậu.  

Vườn cà phê tái canh với quy trình hữu cơ tại nông trại của anh Bùi Xuân Thắng đã cho kinh doanh với năng suất 3 - 3,5 tấn nhân/ha. Ảnh: Minh Hậu.  

Chỉ tay về khoảnh vườn xanh ngát cả một vùng, Bùi Xuân Thắng chia sẻ, đây là khu vực công ty của anh liên kết với các hộ dân thực hiện quy trình sản xuất cà phê hữu cơ với tổng diện tích 29ha. Cà phê tại đây bao gồm Arabica và cả Moka. Trong đó có những gốc Moka cổ có tuổi đời lên đến hàng chục năm. Khu vực này anh và những hộ dân liên kết đã phải trải qua quá trình cải tạo, gây dựng suốt nhiều năm liền.

Trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2015, toàn bộ diện tích cà phê tại đây đã bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất, chất lượng sản phẩm kém. Đặc biệt đất vườn khô cằn, vắng bóng vi sinh vật.

Để lấy lại màu xanh cà phê, hồi sinh sự sống cho khu vườn, Bùi Xuân Thắng cùng các đồng nghiệp và hộ dân liên kết tiến hành cuộc “cách mạng” trên quy mô lớn. Tại đây, những khu vực cà phê già cỗi, cà phê nhiễm bệnh, kém chất lượng đều bị chặt bỏ. Quy trình khử mầm bệnh trong đất, khử độc cho đất được Thắng thực hiện trong khoảng thời gian 12 tháng.

Thắng cho biết: “Chúng tôi để lại những gốc Arabica, Moka cổ và những khu vực cây còn khoẻ, có năng suất, còn lại đưa vào quy trình cải tạo. Mỗi ha, chúng tôi phải bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để cày, cuốc, xử lý đất. Đây là thời gian tiêu tốn nhiều công sức, tiền của và cũng là giai đoạn mà nhiều người hoài nghi về sự thành công của dự án”.

Cà phê của các hộ dân liên kết sản xuất cà phê hữu cơ đang được Cầu Đất Bean thu mua với giá cao hơn giá thị trường 3.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu.

Cà phê của các hộ dân liên kết sản xuất cà phê hữu cơ đang được Cầu Đất Bean thu mua với giá cao hơn giá thị trường 3.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu.

Sau 1 năm cải tạo đất, Thắng tiến hành tái canh lứa cà phê Arabica, Moka mới. Quy trình sản xuất hữu cơ cũng bắt đầu được Thắng thực hiện. Để có được vườn cà phê đạt tiêu chuẩn, Thắng tổ chức lắp đặt hệ thống tưới trên toàn bộ vườn. Cùng với đó là loại bỏ toàn bộ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học ra khỏi danh mục sản xuất. Thay vào đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh để chăm sóc và sử dụng các loại chế phẩm sinh học phòng ngừa sâu, bệnh hại cho cây.

Bùi Xuân Thắng cho hay: “Nguồn đất, nguồn nước được đảm bảo, kết hợp quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên đến năm 2019, toàn bộ cây trên vườn có sự phát triển mạnh mẽ. Cũng thời gian này, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ xây dựng nông nghiệp hữu cơ nên mọi việc trở nên thuận lợi. Hiện nay, toàn bộ cây trên vườn đã cho kinh doanh với năng suất từ 3 - 3,5 tấn nhân xanh/ha”.

Hiện nay, để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn, Công ty Cà phê Cầu Đất Bean tổ chức thu hái cà phê theo phương thức chọn lọc, hái quả chín 100%. Cà phê sau thu hái sẽ được chuyển đến quy trình phơi, sơ chế và chuyển đến nhà máy chế biến. Theo anh Bùi Xuân Thắng, hiện đơn vị tổ chức thu mua cà phê cho các hộ dân liên kết với mức giá cao hơn giá cà phê truyền thống trên thị trường khoảng 3.000 đồng/kg.

Cà phê hữu cơ chinh phục thị trường khó tính

Nâng cành cà phê trĩu quả, giám đốc 8X chia sẻ, việc đưa vườn cà phê vào quy trình hữu cơ là cả quá trình dày công, tốn của và liên tục đối mặt khó khăn, thử thách. Khi cây sống được với môi trường hữu cơ, cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt thì người sản xuất lại đối mặt với các vấn đề của thị trường.

“Ban đầu, sản phẩm cà phê của công ty làm ra không có thị trường tiêu thụ ổn định nên vẫn phải bán với giá thông thường. Giá thành sản xuất 1kg cà phê hữu cơ cao hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống nên việc không tìm được thị trường riêng đã khiến chúng tôi khó gia tăng lợi nhuận”, anh Bùi Xuân Thắng thổ lộ.

Với quy trình hữu cơ, đất trong vườn cà phê duy trì được độ ẩm, tơi xốp với nhiều vi sinh vật. Ảnh: Minh Hậu.

Với quy trình hữu cơ, đất trong vườn cà phê duy trì được độ ẩm, tơi xốp với nhiều vi sinh vật. Ảnh: Minh Hậu.

Đến nay, sau nhiều năm kiên định với con đường hữu cơ và không ngừng tìm kiếm thị trường, sản phẩm cà phê hữu cơ của Cầu Đất Bean đã được thị trường quốc tế đón nhận. Theo đó, mỗi năm, Cầu Đất Bean sản xuất khoảng 180 tấn nhân và được tiêu thụ bởi các đối tác ở những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bùi Xuân Thắng cho biết, sản phẩm cà phê hữu cơ của Công ty được đối tác ký hợp đồng bao tiêu với giá 240 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá cao hơn sản phẩm cà phê truyền thống khoảng 30%.

Nói về kế hoạch phát triển trong tương lai, anh Thắng thổ lộ, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng của thế giới. Hơn nữa, trước sự biến động của giá cả thị trường, việc sản xuất ra sản phẩm chất lượng, sản xuất hữu cơ là rất cần thiết để nâng cao giá trị, đáp ứng sự phát triển kinh tế.

Bùi Xuân Thắng chia sẻ: “Tôi bắt tay vào sản xuất hữu cơ với nhiều lý do. Phần vì muốn tạo ra sản phẩm tốt cho sức khoẻ, bảo vệ môi trường, phần vì muốn nâng cao giá trị cho đặc sản vùng Cầu Đất. Trong tương lai, tôi mong muốn phát triển mạnh hơn nữa, thị trường rộng mở hơn nữa để có cơ hội liên kết, giúp đỡ người sản xuất cà phê tại địa phương”.

Theo anh Bùi Xuân Thắng, hàng năm, công ty dành một phần lợi nhuận trong việc kinh doanh và phối hợp cùng các đối tác nước ngoài tổ chức các chương trình tri ân, tổ chức trao quà, trao học bổng cho con em các gia đình trồng cà phê.

Công ty cũng luôn phấn đấu mở rộng thị trường và sẵn sàng liên kết với các hộ dân có định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ. Anh nói: “Đây cũng là cách để mở rộng vùng nguyên liệu, mang lại lợi ích cho người dân, cải thiện môi trường và đưa ra được nhiều sản phẩm chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng trong và ngoài nước”.

Bình luận