Nông nghiệp đô thị là con đường mà Hà Nội phải đi

Bình luận · 214 Lượt xem

Mới đây Sở NN-PTNT Hà Nội đã tổ chức hội nghị góp ý về đề án nông nghiệp đô thị giai đoạn năm 2022-2026.

Nông nghiệp đô thị để thích ứng với nhu cầu mới

Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ban ngành của thành phố, lãnh đạo các quận huyện, đại diện các hiệp hội chuyên ngành, cùng các nhà khoa học dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Chí- Phó chánh văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội.

 

Theo thống kê năm 2021 Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp 197.793 ha, chiếm tỷ lệ 58,9% tổng diện tích đất tự nhiên; dân số khu vực nông thôn trên 4,3 triệu người, chiếm 50,9% tổng dân số; lao động khu vực nông thôn 2,271 triệu người, chiếm trên 56% lực lượng lao động của thành phố. Hiện sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 2,3% tổng sản phẩm trên địa bàn. Sản phẩm nông nghiệp làm ra mới đáp ứng 30 - 65% nhu cầu các loại nông sản cho khoảng 10 triệu dân và lao động, du khách sinh sống và làm việc, phần còn thiếu được chuyển từ các tỉnh, thành trong cả nước và nhập khẩu.  

 

Hà Nội hiện có 11 quy hoạch liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhưng phần lớn đều phải điều chỉnh bởi tốc độ đô thị hoá quá nhanh thời gian qua đã phá vỡ cảnh quan, không gian nông nghiệp, nhường chỗ cho các khu đô thị và hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch mạnh mẽ của lao động trẻ từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ gây nên tình trạng “già hóa” lao động trong nông nghiệp, thiếu trầm trọng vào thời vụ. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu mang tính nông hộ manh mún, tự phát, chi phí cao.

 

Theo tác giả Lê Đức Thịnh, nông nghiệp của TP Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam thường phát triển theo mô hình 3 vành đai. Kể từ trong ra ngoài có: vành đai nông nghiệp chuyên canh, vành đai nông nghiệp đa dạng hóa và vành đai nông nghiệp thích ứng. Những thay đổi này đặc biệt nghiêm trọng đối với nông dân Hà Nội, khi các xã nông nghiệp thuộc quyền quản lý của đô thị, đất trồng lúa được giao cho các nhà đầu tư, nông dân đã mất nhiều hoặc toàn bộ đất đai, thường là nguồn thu nhập duy nhất của họ.

 

Các mảnh đất nông nghiệp manh mún và không liền mạch khiến việc mở rộng canh tác, đầu tư sản xuất trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, các hợp tác xã của nông dân có thể giải thể hoặc ngừng hoạt động. Với những hạn chế về tuổi tác, trình độ học vấn và các kỹ năng cần thiết, những người nông dân này khó có cơ hội tìm kiếm việc làm ở những khu công nghiệp. Điều này làm cho họ dễ bị nghèo, thất nhiệp và không có việc làm, đặc biệt là phụ nữ trung niên. Đất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô ngày càng bị bỏ hoang mỗi lúc một nhiều. Do vậy, nông nghiệp đô thị đóng vai trò rất quan trọng cho đảm bảo sinh kế và công ăn việc làm của cư dân nông thôn.

 

Trong khi đó, dân số Hà Nội đang gia tăng nhanh chóng, sắp đạt 10 triệu người đã làm nảy sinh những lo ngại về việc cung cấp lương thực. Nhu cầu về “thực phẩm an toàn” có sẵn tại địa phương ngày càng tăng, nhưng các hộ sản xuất quy mô nhỏ, manh mún lại thường không có phương tiện hoặc được đào tạo kỹ thuật để đáp ứng. Dân số gia tăng nhanh chóng cũng kéo theo những vấn đề nảy sinh như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí nặng nề, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu phát triển nông nghiệp theo kiểu truyền thống, chạy theo năng suất, đơn giá trị, dàn trải trên một diện tích lớn thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm cho nhu cầu lương thực thực phẩm của 10 triệu dân đang mỗi lúc “khó tính”, đồng thời nâng cao đời sống của nông dân. Không còn con đường nào khác, nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu.

 

Phát triển nông nghiệp đô thị sẽ từng bước thay đổi nhận thức của nông dân từ nền sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng sinh thái, bền vững, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Nhờ đó, sẽ đóng góp vào chiến lược đô thị xanh, thông minh của Hà nội. Không chỉ vậy nông nghiệp lúc đó sẽ là đa giá trị khi thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm, ăn uống và mua sắm.

 

Tham vấn của các đại biểu

PGS.TS Đào Thế Anh, đại diện Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam trong bài trình bày tóm tắt đề án về nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2022-2026 đã khẳng định, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp đô thị phải mang tính liên ngành. Đề án này nhằm phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2026 tăng trưởng sản xuất hàng năm tăng từ 2,8-3%; Tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đạt trên 70%; Phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm; Phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; Tăng tỷ lệ tự cung ứng các nông sản thực phẩm của nông nghiệp đô thị lên 40-70%; Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; Phát triển các dịch vụ nông nghiệp trong nội đô, tăng tỷ lệ che phủ xanh...

 

Đại diện của quận Long Biên bày tỏ sự ủng hộ đề án nhưng cần phải nói rõ các định nghĩa, định hướng, trích dẫn nguồn hướng dẫn các danh mục định nghĩa đó. Cần mở rộng khái niệm nông nghiệp không chỉ theo sản lượng mà nên tính các loại theo nguồn thu. Ví dụ thu từ chụp ảnh vườn trồng hoa, tự phát vậy đưa vào đâu, gắn vào định nghĩa nào? Tách rõ quận/huyện có nông nghiệp và không có nông nghiệp nhưng liên quan đến nông nghiệp như thế nào. Long Biên có thế mạnh là diện tích đất bãi nhưng giá cả của đất đang là một vấn đề.

 

Thêm vào đó các dự án chia cắt hệ thống tưới tiêu, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Muốn phát triển được nông nghiệp đô thị phải xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, gắn với dịch vụ, du lịch để tạo giá trị gia tăng. Định hướng của Long Biên là đất nông nghiệp ngoài bãi sẽ phát triển du lịch sinh thái, 7 km chiều dài bãi sẽ thành vùng vui chơi giải trí, thu hút khách trong nước và khách nước ngoài. Còn đất nông nghiệp trong đồng thì trồng, bán hoa cây cảnh, bán dịch vụ nông nghiệp.

 

Đại diện của huyện Gia Lâm đồng tình với đề án nhưng góp ý cần điều chỉnh lộ trình dài hạn hơn. Phát triển nông nghiệp cần gắn với chuỗi nhưng cụ thể là bao nhiêu chuỗi. Phát triển nông nghiệp sinh thái cần gắn với mô hình giáo dục, trải nghiệm để tăng GDP vào với ngành.

 

Đại diện của huyện Thanh Oai cho rằng phải xác định rõ vùng lõi đô thị, đô thị hóa ven đô, vùng ven đô từng tên quận/huyện. Cần hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là hỗ trợ tài chính phải có hướng dẫn từ cấp trung ương và thành phố. Việc quản lý sản xuất nông nghiệp cần giao đúng người đúng việc, tránh lỏng lẻo, xây dựng những thứ không phù hợp.

 

Cuối cùng ông Nguyễn Văn Chí cho rằng chủ trương điều chỉnh thời gian của đề án từ năm 2023-2030 là hợp lý. Cần tham vấn kỹ ý kiến, đề xuất của các quận lõi, huyện chuẩn bị lên quận. Cũng theo ông, Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025 đã định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước.

 

Hà Nội không chỉ có thế mạnh để phát triển nông nghiệp, mà còn có bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa. Nếu phát triển nông nghiệp đô thị vừa đảm bảo được an ninh lương thực, đảm bảo được nguồn thực phẩm bổ dưỡng và có thể gia tăng nguồn thu từ du lịch, trải nghiệm từ nông nghiệp.

 

Có nhiều hình thức khác nhau đối với nông nghiệp đô thị, bao gồm canh tác trên mặt đất, canh tác trên mái nhà, thủy canh, nhà kính và các công nghệ mới khác. Nông nghiệp đô thị có tiềm năng sản xuất lương thực cho tiêu dùng địa phương, đặc biệt là các loại sản phẩm dễ hỏng và các loại sản phẩm có giá trị cao. Ngoài ra, ngày càng có nhiều mối quan tâm đến việc canh tác quy mô thương mại các loại cây trồng phi lương thực ở các khu vực đô thị như trồng hoa, tận dụng không gian trồng cây ở các bức tường...

Bình luận