Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xu hướng chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao tiếp tục lan rộng, truy xuất nguồn gốc được quan tâm thực hiện đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tình hình tiêu thụ nông sản, thủy sản ổn định, chăn nuôi phục hồi duy trì mức tăng trưởng khá. Sản xuất nông - lâm - thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục phát triển ổn định, nông sản được tiêu thụ thuận lợi, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được nhân rộng; ước đạt giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) đạt 38.132 tỷ đồng, tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 1.115 tỷ đồng), đạt 77,61% so với kế hoạch. Giá thành sản xuất lúa dao động 3.268 - 3.643 đồng/kg (giảm 47- 254 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022), lợi nhuận dao động 25 - 30 triệu đồng/ha (tăng từ 9,7 - 17,5 triệu đồng/ha so cùng kỳ). Tổng diện tích trồng cây ăn trái là 43.162ha.
Một số mặt hàng trái cây chủ lực có giá bán tăng do nhu cầu thị trường, tình hình tiêu thụ ổn định. So với cùng kỳ năm 2022, giá bán các loại trái cây biến động tăng từ 4.500 - 20.000 đồng/kg và giảm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg tùy từng loại. Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì, chất lượng được nâng lên. Hiện có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 5 sao (trong đó có 275 sản phẩm đạt 3 sao và 81 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao là hạt sen sấy của Công ty Nam Huy Đồng Tháp; có 3 sản phẩm tiềm năng đang được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia xét công nhận 5 sao OCOP đợt 2/2023.
Những tháng đầu năm, nhiều tín hiệu khả quan đến từ sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch. Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, năng lực sản xuất công nghiệp gia tăng tạo ra nguồn cung hàng hóa và nguyên liệu khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, miễn giảm thuế, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động... từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyển biến tích cực, khởi sắc.
Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước đạt 51.394 tỷ đồng, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 70,97% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng hóa tạm nhập, tái xuất) đến cuối tháng 9/2023 ước đạt 915 triệu USD, bằng 81,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 59,61% kế hoạch, riêng xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tăng cao; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 531 triệu USD, bằng 90,13% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch nhập khẩu đến cuối tháng 9/2023 ước đạt 571,14 triệu USD, giảm 3,1% so cùng kỳ năm 2022, đạt 70,5% so với mục tiêu kế hoạch năm
Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tính đến ngày 19/9, có 475 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đầu tư là 2.595 tỷ đồng, đạt 73,1% kế hoạch; số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 259 doanh nghiệp; doanh nghiệp giải thể là 93 doanh nghiệp và tái hoạt động 97 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ước khoảng hơn 5.028 doanh nghiệp.
Tổng số vốn đầu tư công năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang) của tỉnh là 6.501,780 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 31/8/2023 là 4.126,428 tỷ đồng/6.501,780 tỷ đồng, đạt 63,47%, cao hơn 24,25% so với cùng kỳ (năm 2022 đạt 39,21%) và cao hơn 23,87% so với cả nước. Ước thực hiện đến ngày 17/9/2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 5.609 tỷ đồng, đạt 74% dự toán năm (bằng 101,8% so với cùng kỳ năm 2022). Ước đến ngày 30/9, huy động vốn đạt 66.450 tỷ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 4.830 tỷ đồng, tăng 7,8%, đạt 96,3% kế hoạch năm 2023; dư nợ đạt 101.650 tỷ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 7.422 tỷ đồng, tăng 7,9%; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ được kiểm soát dưới 2%.