Đề xuất phân cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo cho địa phương

Bình luận · 200 Lượt xem

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay thuộc Bộ Công Thương. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nên chuyển việc này về cho địa phương.

VCCI đề xuất, nên phân cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo từ Bộ Công Thương về địa phương (UBND tỉnh hoặc Sở Công Thương). Đồng thời, nên bãi bỏ quy định về về thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

VCCI đề xuất, nên phân cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo từ Bộ Công Thương về địa phương (UBND tỉnh hoặc Sở Công Thương). Đồng thời, nên bãi bỏ quy định về về thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo VCCI, việc này là nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 và tăng cường phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết 04/NQ-CP năm 2022.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo để khắc phục những bất cập của quy định cũ.

Theo dự thảo mới, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Phương án 1: bổ sung điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng “có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm” (theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phương án 2: giữ nguyên như quy định hiện hành.

Về nội dung này, VCCI cho rằng, mặc dù liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo được coi là khâu then chốt giúp làm tăng sản lượng, chất lượng nông sản Việt Nam, mối liên kết này không thể tồn tại chỉ bằng yêu cầu hành chính (điều kiện kinh doanh) mà cần sự đồng thuận và thiện chí từ các bên tham gia.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và người nông dân cũng đã tự ký các thỏa thuận liên kết để nâng cao giá trị nông sản mà không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, mỗi khi có biến động giá hoặc sản lượng, cả phía doanh nghiệp và nông dân đều dễ dàng vi phạm các hợp đồng đã ký kết. Các cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng (đặc biệt từ tòa án) hiện chưa đảm bảo để xử lý các vi phạm hợp đồng, giúp duy trì các liên kết như vậy một cách lâu dài.

Do đó, về dài hạn, theo VCCI, biện pháp tốt nhất để tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ là cải thiện các thiết chế tư pháp bảo đảm thực thi hợp đồng, còn các biện pháp hành chính chỉ nên mang tính ngắn hạn.

Tiêu chí này nên được coi là một nội dung khuyến khích, không phải bắt buộc cản trở hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh chưa cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên quy định như Nghị định 107/2018/NĐ-CP (Phương án 2)”- VCCI kiến nghị.

Bình luận