Nông dân 'triệu USD' nhờ mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Bình luận · 197 Lượt xem

Ông Ngô Văn Đệ ở xã Long Khánh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) là nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bình chọn và trao Danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Cơ sở nuôi tôm của ông đã gi

Long Khánh là xã đảo nằm ở phía đông của huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh). Những năm qua, đời sống của người dân ngày càng khởi sắc, nhiều gia đình thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả và trở thành tỷ phú.

Ông Ngô Văn Đệ, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Long Khánh là nông dân tiêu biểu của cả nước, 1 trong 100 gương mặt được bình chọn và trao Danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao (có doanh thu 140 tỷ).

Để có được thành quả này, gia đình ông Đệ đã trải qua quá trình phấn đấu gần 20 năm. Năm 2007, gia đình ông Đệ bắt đầu nuôi tôm bán thâm canh trên diện tích đất 6 hecta. Dù gia đình đã nỗ lực nhưng kết quả nuôi tôm không như mong muốn. Tỷ lệ thất thoát cao do tôm bệnh, giá bán ra không ổn định, lợi nhuận thấp.

Năm 2010, UBND xã Long Khánh đã phát động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng và vật nuôi. Ông Đệ mạnh dạn quyết định chọn thực hiện “mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao”, với diện tích 2 hecta.

“Thời gian đầu khá hiệu quả, kinh tế gia đình khá hơn. Gia đình tôi quyết định mở rộng diện tích nuôi lên 4 hecta, với 20 ao nuôi công nghiệp”, ông Đệ nói.

Nhưng ông Đệ vẫn chưa hài lòng với giá trị và giá thành con tôm mang lại. Năm 2015, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi công nghệ cao, nuôi với mật độ cao và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Trong các ao nuôi, mật độ nuôi tôm từ 200-300 con/m2, còn nuôi theo cách truyền thống từ 50 đến dưới 100 con/m2. Với mật độ trên, sản lượng thu được từ nuôi công nghệ cao sẽ cao hơn gấp 3 lần so với cách nuôi truyền thống.

“Dịch bệnh, thức ăn, nguồn nước, khí, chất thải được quản lý hoàn toàn dựa trên công nghệ nên vụ nuôi nào gia đình cũng có lợi nhuận", ông Đệ chia sẻ. Quá trình nuôi tôm công nghệ cao, ông Đệ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang mạnh dạn áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào sản xuất.

Theo ông Đệ, sản phẩm làm ra sạch, giá bán cao hơn thị trường. “Với hệ thống hoàn toàn tự động trong sản xuất, có thể quản lý tốt môi trường, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, không để gây tổn hại đến sức khỏe con người, đặc biệt là nhân công làm việc trong khu ao nuôi tôm".

Với khu nuôi tập trung 20 ao công nghệ, ông Đệ tạo việc làm ổn định cho 40 lao động với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Ông Đệ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất với 15 hộ là các tổ viên trong hộ nuôi tôm công nghệ cao, sẵn sàng giúp đỡ hộ nuôi mới.

Ngoài việc nuôi tôm công nghệ cao, gia đình ông Đệ còn kinh doanh thức ăn thủy sản, hỗ trợ trả chậm cho gần 260 hộ nuôi, với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Quá trình kinh doanh, ông Đệ tư vấn cung cấp cho các hộ nuôi từ quy trình kỹ thuật, con giống, thức ăn và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Sau 5 năm nuôi tôm công nghệ cao, ông Đệ đã giúp đỡ 12 hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Năm 2019, ông Đệ được vận động làm Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Long Khánh. Đến nay, hợp tác xã có 60 xã viên nuôi tôm công nghệ cao và đều đạt hiệu quả cao. Nhiều xã viên vươn lên khá giả, giàu có ở xã đảo Long Khánh.

Hiện nay, ông Đệ đang thử nghiệm việc quản lý, vận hành quá trình nuôi, chăm sóc thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại. Ông cho biết, ngoài kinh nghiệm đúc kết nhiều năm, còn có sự hỗ trợ kỹ thuật của nhân viên công ty cung cấp thức ăn, công ty nhập khẩu tôm,...

Theo ông Đệ, yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của mô hình là nguồn nước. Phải xử lý nước qua rất nhiều ao, bổ sung nhiều dinh dưỡng để đảm bảo nguồn nước sạch và cung cấp đủ chất cho con tôm phát triển tốt, đạt được kích cỡ lớn.

Ông Đệ cũng lưu ý người nuôi, cần tuân thủ lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản, nâng cao nhận thức về lịch thời vụ sản xuất, con giống trước khi thả nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học vào kỹ thuật nuôi thâm canh để giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh; xây dựng chặt chẽ mối liên kết “4 nhà”.

Nhà nước có vai trò quản lý, chủ động gắn kết các nhà trong mô hình sản xuất, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển mạnh, tăng cường và tạo điều kiện cho hoạt động các mối liên kết.

Bình luận