Công nghệ số trong quản lý chăn nuôi, thú y: [Bài 2] Chính xác, giảm tải công việc

Bình luận · 208 Lượt xem

Ứng dụng phần mềm quản lý chăn nuôi và thú y, Ninh Thuận kỳ vọng sẽ nắm bắt những thay đổi trong chăn nuôi từng lúc và quản lý tốt dịch bệnh trên vật nuôi.

 

Bất cập của cách làm truyền thống

Ninh Thuận hiện đang có tổng đàn gia súc gần 514.000 con, trong đó, gia súc có sừng gần 351.000 con (trâu hơn 3.900 con, bò gần 122.000 con, tỷ lệ bò lai ước đạt 50%, dê hơn 127.000 con, cừu 98.000 con), tổng đàn heo gần 163.000 con, đàn gia cầm gần 2,3 triệu con.

 

Theo ông Phạm Văn Bảo, Phó Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của Sở NN-PTNT Ninh Thuận năm 2023, vừa qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận tiến hành phối hợp với Công ty Phần mềm Ninh Thuận triển khai tập huấn ứng dụng phần mềm, trên cơ sở nâng cấp phần mềm công tác đăng ký và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, đồng thời bổ sung phần mềm nội dung quản lý trong công tác chăn nuôi, giám sát dịch bệnh động vật.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, trước đây, công tác quản lý chăn nuôi tại các nông hộ, trang trại chăn nuôi, cơ sở kinh doanh giống vật nuôi, cơ sở ấp nở… trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều thực hiện bằng phương pháp thủ công. Công tác quản lý chăn nuôi trên địa bàn thông qua Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố. Nhân viên các Trạm Chăn nuôi và Thú y điều tra thu thập, ghi chép vào sổ, tổng hợp và báo cáo định kỳ hay đột xuất về phòng chuyên môn của Chi cục.

 

“Tuy nhiên, phương pháp quản lý nói trên rất tốn thời gian, công sức của nhân viên thú y. Đáng quan ngại là thực hiện thủ công còn gây nhầm lẫn, thất lạc, mất thời gian tìm kiếm, không chính xác. Thậm chí còn báo cáo không kịp thời, dẫn tới ảnh hướng đến công tác đánh giá, dự báo, cảnh báo phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh”, ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Ninh Thuận, chia sẻ.

 

Cũng theo ông Thịnh, ngoài ra, thực hiện quản lý chăn nuôi bằng phương pháp thủ công còn ảnh hưởng đến công tác quy hoạch phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật, công tác dự báo và khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm và các chính sách hỗ trợ chăn nuôi, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đặc biệt là không nắm bắt bao quát các đối tượng chăn nuôi trên địa bàn.

 

Hiệu quả thiết thực

Nhận thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăn nuôi trong nông hộ, trang trại, cơ sở kinh doanh giống vật nuôi, cơ sở ấp nở... là rất cần thiết, phù hợp với định hướng chuyển đổi số của ngành nông nghiệp Ninh Thuận, nên ngành chức năng tỉnh này đã nỗ lực thực hiện.

 

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, quản lý phát triển chăn nuôi bằng công nghệ số sẽ tạo hiệu quả tích cực. Bởi, khi ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, các thông tin về số lượng hộ nuôi, trang trại chăn nuôi, hay cơ sở kinh doanh giống vật nuôi, cơ sở ấp nở… trên địa bàn xã, huyện đều được cập nhật, được lưu giữ trên hệ thống. Chi cục căn cứ vào đó mà cập nhật số liệu để báo cáo lên Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Ninh Thuận, Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

 

Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Ninh Thuận khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăn nuôi ở Ninh Thuận sẽ đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý Nhà nước. Giúp cập nhật số liệu chăn nuôi chính xác, đồng thời hỗ trợ tốt cho công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh được thuận lợi.

 

Nhờ đó, cơ quan quản lý thông tin kịp thời thông báo, khuyến cáo cho các cơ sở chăn nuôi tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác quản lý thú y cũng sẽ được chặt chẽ, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm dịch tả heo Châu Phi, cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò…

 

Việc ứng dụng phần mềm vào quản lý chăn nuôi trên địa bàn sẽ đã tạo bước chuyển biến mới trong công tác quản lý chăn nuôi, góp phần kiểm soát dịch bệnh đàn vật nuôi tại địa phương, tạo thuận lợi trong việc truy cập dữ liệu lịch sử chăn nuôi và lịch sử diễn biến dịch bệnh, giúp cơ quan quản lý chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

 

Ông Phạm Văn Bảo, Phó phòng quản lý dịch bệnh Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, khi hoạt động chăn nuôi được quản lý tốt, ngoài giúp đàn vật nuôi trên địa bàn hạn chế được dịch bệnh, còn dự báo được sản lượng, truy xuất nguồn gốc và định hướng thị trường cho từng loại sản phẩm.

 

Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận sẽ tiếp tục hoàn thiện phần mềm để đảm bảo hiệu quả việc cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình chăn nuôi nhằm giúp địa phương quản lý tốt công tác chăn nuôi.

 

Kịp thời hỗ trợ hộ chăn nuôi trong việc kê khai hoạt động theo quy định của Luật Chăn nuôi. Đồng thời, phần mềm là nơi lưu giữ các cơ sở dữ liệu chăn nuôi, khi cần thiết có thể cập nhật nhanh chóng để cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý góp phần phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiệu quả.

 

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch được trên 51.000 giấy. Trong đó, kiểm dịch động vật thủy sản được gần 25 tỷ con, số giấy chứng nhận kiểm dịch cấp 48.000 giấy. Kiểm dịch động vật trên cạn được trên 21.000 con, số giấy chứng nhận đã cấp 3.000 giấy.

 

“Với số lượng kiểm dịch hàng ngày lớn như vậy, trong khi con người thì có hạn, do đó nếu không áp dụng phần mềm trong công tác kiểm dịch thì đơn vị sẽ không thể giải quyết hết khối lượng công việc”, ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận chia sẻ.

Bình luận