Phát triển cây chè, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững

Bình luận · 193 Lượt xem

Nhờ phát triển cây chè truyền thống, nhiều hộ dân ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã có nguồn thu nhập tương đối ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Xác định cây chè sẽ mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở địa phương, giúp bà con thoát nghèo bền vững, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã triển khai Đề án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Cây chè đã, đang và sẽ trở thành cây trồng chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở huyện miền núi này.

Nhờ có kinh nghiệm thâm canh cây chè và được tập huấn các biện pháp kỹ thuật, nên hơn 1ha chè của gia đình bà Chi đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao.

Nhờ vào cây trồng này, gia đình bà Chi đã thoát nghèo, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Tại xã Cát Tân, hiện có 106 hộ dân tham gia trồng chè với diện tích gần 33ha. Năm 2022, nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia trồng chè trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xã Cát Tân đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp và sản xuất chè hữu cơ Thanh Vân.

Sau khi thành lập, hợp tác xã (HTX) đã được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ 2 máy sao và 3 máy vò chè, vì vậy việc sản xuất chè của bà con thuận lợi hơn.

Bà Hoàng Thị Lương - Chủ tịch UBND xã Cát Tân, cho biết, các hộ trồng chè lâu nay có mức thu nhập khoảng 30 triệu/ha/tháng, đã mang lại thu nhập cho người lao động ở địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Tuất – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Như Xuân cho biết, Công ty chè Phương Đông, ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), đưa doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) về khảo sát ở huyện Như Xuân, thì thấy tương đối phù hợp để đưa giống chè mới vào phát triển.

Doanh nghiệp này đang làm thủ tục xin chấp thuận đầu tư để xây dựng một nhà máy chế biến và phát triển vùng nguyên liệu, vì địa hình, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây khá phù hợp. Do đó, UBND huyện Như Xuân đang lấy Hợp tác xã chè Hữu cơ Thanh Vân làm nòng cốt để tới đây phát triển lại cây chè của Như Xuân, vì hiện nay hợp tác xã này đang phát triển khá tốt”, ông Tuất thông tin.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, mặc dù doanh nghiệp nước ngoài vào xin phép đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu chè, nhưng trước mắt đang gặp nhiều vấn đề khá khó khăn.

 

Bình luận