Ứng dụng chuyển đổi số quảng bá, tiêu thụ nông sản

Bình luận · 214 Lượt xem

Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã bước đầu ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) trong quảng bá, tiêu thụ nông sản. Các ngành chức năng của tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân đưa các s

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) Lê Giang Phong cho biết, mã QR là công cụ hữu hiệu trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trước đây, khi chưa tạo mã QR, tôi gặp khó trong tạo dựng niềm tin đối với khách hàng, vì họ không biết mình là ai, ở đâu, cơ sở sản xuất nấm quy mô thế nào.

Sau khi HTX tạo được mã QR và in lên sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần quét mã là có được thông tin về sản phẩm và nơi sản xuất. Từ đó, người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và mua nhiều hơn

Bên cạnh việc tạo mã QR cho sản phẩm, HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận còn chú trọng quảng bá, tiêu thụ nông sản trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử như Lazada.vn, Voso.vn, Postmart.vn... “Bán hàng trên các nền tảng số giúp chúng tôi ở nhà mà vẫn bán được hàng. Thậm chí, còn bán được nhiều sản phẩm hơn so với cách truyền thống là phải đi đến từng nhà, từng đại lý để chào hàng như trước đây”, ông Phong khẳng định.

Xác định rõ vai trò của CĐS trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động này với mục tiêu đổi mới, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản địa phương.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, mục tiêu quan trọng trong kế hoạch CĐS ngành nông nghiệp của tỉnh là đến năm 2025, tất cả các sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, sở đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng nông sản, mẫu mã bao bì của sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS thông qua trang thông tin điện tử về nông thôn mới và Chương trình OCOP.

Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh. Đến thời điểm này, tỉnh có 72/140 sản phẩm OCOP được quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Hướng đến mục tiêu hỗ trợ người dân quảng bá, tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, Sở TT&TT đã chú trọng truyền thông trong lĩnh vực này.

Trong khuôn khổ Tuần lễ CĐS tỉnh Quảng Ngãi năm 2023, Sở TT&TT đã tổ chức các phiên hội thảo chuyên đề về CĐS ngành nông nghiệp. Các phiên hội thảo này đều được phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội, để thông tin được lan tỏa đến với đông đảo người dân.

Tại hội thảo, người dân, thành viên các HTX trên địa bàn tỉnh nghe phổ biến nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, như: Khung CĐS doanh nghiệp và HTX nông nghiệp; phát huy thế mạnh địa phương trong việc xây dựng thương hiệu nông sản Quảng Ngãi chuyên nghiệp và phát triển bền vững; hệ sinh thái số bán hàng 4.0...

“Xác định nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên CĐS, Ban tổ chức Tuần lễ CĐS đã tổ chức các hội thảo trong lĩnh vực này để kết nối cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại của CĐS trong nông nghiệp, đồng thời trao đổi, phân tích, làm rõ hơn những vướng mắc mà người dân cần tháo gỡ để thực hiện CĐS.

Từ đó đề ra các giải pháp CĐS đúng trọng tâm, trọng điểm giúp người dân đẩy mạnh CĐS trong nông nghiệp, đặc biệt là quảng bá, giới thiệu nông sản trên các nền tảng số, tạo tiền đề để thúc đẩy xã hội số trong thời gian đến”, Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường cho biết.

Bình luận