Gia Lai: Những tỷ phú bước ra từ nước mắt hồ tiêu (Bài 2)

Bình luận · 197 Lượt xem

Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước, vùng đất của huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai từ lâu đã trở thành 'thủ phủ' của nhiều loại cây trái. Đến nay trên địa bàn huyện có hơn 2.000 ha cây ăn quả.

Đồng chí Nguyễn Huy Châu- Bí thư Đảng ủy huyện Chư Pưh chia sẻ, hiện tại, Huyện ủy - UBND huyện xác định: Hướng về cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thôn làng bình yên, tập trung mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả mô hình “ Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, từ đất trồng hồ tiêu bị chết, cà phê già cỗi…gắn với liên kết sản xuất, đảm bảo đầu vào và đầu ra sản phẩm cho người dân là mục tiêu quan trong và lâu dài. Trong đó trồng dâu nuôi tằm và trồng sầu riêng là những loại cây có giá trị, sản lượng cao, dễ trồng, phù hợp với địa hình, thời tiết, là loại cây chủ lực của địa phương, nên đã tổ chức tuyên truyền, vận động bà con tận dụng đất trồng tiêu đã chết để trồng sầu riêng. Các Hợp tác xã, Tổ liên kết hỗ trợ người dân trong các khâu cung cấp, lựa chọn giống cây, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ứng trước đầu tư giống, nông cụ và bao tiêu đầu ra.

Từ các mô hình liên kết, để đảm bảo hình thành vùng chuyên canh hiệu quả, Huyện ủy- UBND huyện đã thông nhất phê duyệt Đề án “ Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh các loại cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày” theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.Để đạt mục tiêu đem lại lợi nhuận cao cho người dân địa phương, cấp ủy chính quyền địa phương sẽ lập dự án xây dựng “thương hiệu sầu riêng”, hỗ trợ về pháp luật, ưu đãi vốn, thuế, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực và ký kết với các đối tác tìm đầu ra ổn định, lâu dài.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ước đạt hơn 4.770,4 tỷ đồng, tăng 5,46 % so với cùng kỳ, đạt 69,65% Nghị quyết. Giá trị công nghiệp - xây dựng cơ bản (giá so sánh năm 2010) trong tháng 9 đầu năm đạt gần 1.143 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm, đạt 10,9% so với cùng kỳ.

Phát huy những thành quả đạt được, Huyện ủy- UBND huyện Chư Pưh tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất và triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trên diện tích đất trồng cây hồ tiêu bị chết sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vị trí quy hoạch khu dân cư mới, hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thôn, nhất là 6 xã và 9 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới và các xã, làng còn lại. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, kích cầu thương mại, dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm... đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số. Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế. Tổ chức lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch làm cơ sở triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: năng lượng, chế biến sau thu hoạch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mở ra cơ hội để người dân thoát nghèo bền vững.

Theo thống kê, huyện Chư Pưh có hơn 1.700ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh khiến nền kinh tế của huyện bị giảm sút nghiêm trọng. Riêng dư nợ vốn vay đầu tư cây hồ tiêu của người dân đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Từ vùng đất của những con nợ, ngày nay nhiều gia đình đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, không những trả hết nợ mà còn vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Trước năm 2017 tới thủ phủ hồ tiêu Gia Lai chắc ai cũng biết đến cái tên “Tỷ phú hồ tiêu Nguyễn Trọng Dũng”, người ba lần được tỉnh Gia Lai tuyên dương Nhà sản xuất giỏi. Gặp lại chúng tôi, ông Dũng chia sẻ, sau sự kiện buồn hàng triệu trụ tiêu bị bệnh chết, đi cùng hàng trăm “tỷ phú nợ” ngân hàng, kẻ ra Bắc, người vô Nam tìm kế sinh nhai và để “trốn nợ”. Riêng tôi, tôi vẫn ở đây vì tôi biết vị thế cây trồng tại vùng đất bazan. Tiêu chết thì mình trồng cây khác, nhất là các loại cây ăn quả như mít, xoài, nhãn, mãng cầu, nhất là giống sầu riêng Dona được nhập từ Thái Lan. Sau một thời gian tôi vào Đồng Nai, Đắk Lắk tìm hiểu, học tập cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến năm 2017 tôi quyết định trồng 500 cây sầu riêng Dona trên diện tích gần 3ha từ đất trồng tiêu trước đây. Thời gian cây trồng, sinh trưởng ra hoa, kết trái, thu hoạch khoảng 5 năm. Tung bình một cây sầu riêng từ lúc trồng đến lúc cho trái thu hoạch đầu tư khoảng 350 đồng. Năm nay thu nhập từ vườn sầu riêng, trừ chi phí rồi tôi cũng bỏ túi gần 3 tỷ đồng. Sang năm cứ giá này thì chắc chắn gia đình tôi sẽ thu về trên 7 tỷ đồng, một số tiền rất lớn mà trước khi trồng sầu riêng ông chưa mơ tới.

Từ 1,2 ha đất trồng tiêu không hiệu quả do dịch bệnh, gia đình anh Phạm Đức Diệt, ở thôn Phú Hà, xã Ia Blứ (Chư Pưh) sau khi diện tích hồ tiêu bị chết gia đình anh đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, trong đó có 200 gốc sầu riêng. Đến nay, vườn sầu riêng của gia đình anh đã cho thu hoạch, năng suất cao khoảng 15 tấn/năm, với giá bán bình quân 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, hàng năm gia đình anh có nguồn thu cao, lại ổn định. Cũng theo anh Diệt, thời điểm này, trồng sầu riêng cho thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây khác nhờ chi phí thấp, ít phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cũng tốn ít công chăm sóc mà lại ổn định không bị chết như cây tiêu, thị trường tiêu thụ sầu riêng vẫn đang ổn định. Tôi thấy mình đã đầu tư đúng hướng, việc trồng sầu riêng đã mang lại nguồn thu nhập cao lại ổn định cho gia đình tôi”.

Ông Hồ Sỹ Chương (làng Ia Sâm, xã Ia Rong) cho hay: Khi được huyện hỗ trợ tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi rất phấn khởi. Năm 2017, khi vườn hồ tiêu già cỗi, ông chuyển đổi sang trồng sầu riêng với diện tích hơn 1,6 ha. Năm 2023, vườn sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch được hơn 7 tấn. Sau gần 1 năm triển khai, vườn cây phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh gây hại, trái nhiều, hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói ở đây ai mạnh dạn đầu tư trồng sầu riêng đều giàu lên, kinh tế ổn định, phát triển.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, trên địa bàn huyện hiện có hơn 2.000 ha cây ăn quả. Trong số này có gần 250 ha sầu riêng, chủ yếu là sầu riêng Thái và Ri6, Dona …tập trung ở xã Ia Dreng, Ia Blứ, Ia Le và thị trấn Nhơn Hòa. Để cây sầu riêng phát triển bền vững , UBND huyện Chư Pưh đã chỉ đạo cho ngành Nông nghiệp tập trung phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, chủ động liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người trồng sầu riêng.

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng vật nuôi đã góp phần giúp các hộ dân trên địa bàn huyện Chư Pưh vơi bớt khó khăn sau khi tiêu chết. Với thu nhập ổn định, mô hình chuyển đổi này đã và đang giúp các hộ dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, qua đó ổn định kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên làng quê của mình

Với sự tiếp sức của cấp ủy, chính quyền địa phương, những “tỷ phú sầu riêng” bước ra từ nước mắt của cây hồ tiêu trên đất Gia Lai nói chung, Chư Pưh nói riêng đã bắt đầu cất cánh , khẳng định thương hiệu. Tạm xa vùng đất Chư Pưh khi cơn mưa cuối ngày đã tạnh, nắng vàng đã lan tỏa hơi ấm. Đâu đó trong không gian vang lại câu hát “Sầu riêng ai khéo đặt tên, ai sầu không biết riêng nông dân rất giầu…”.

Bình luận