Giám đốc ADB: Việt Nam khá thành công trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô

Bình luận · 210 Lượt xem

Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Shantanu Chakraborty cho rằng Việt Nam khá thành công trong việc giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô và vượt qua thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu trong những thán

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh, ADB hoàn toàn ủng hộ các chính sách tài khóa và tiền tệ mà Việt Nam đã áp dụng cho đến nay, nhờ đó mà lạm phát đã được kiểm soát và lãi suất trong nước được giữ ở mức thấp.

 

Với chính sách tiền tệ rất thận trọng, Việt Nam đã làm khá tốt và duy trì mức tăng trưởng tương đối tích cực bất chấp "những cơn gió ngược" đến từ thị trường toàn cầu, Giám đốc ADB chia sẻ.

Tỉ lệ nợ công của Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng giảm dần và tỉ lệ nợ công/GDP cách xa so với mức trần quy định. Do vậy, Việt Nam còn dư địa để có thể vận dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

 

Đề cập tới các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian tới, Giám đốc quốc gia ADB cho rằng, vốn đầu tư công sẽ là động lực lớn cho nền kinh tế trong vài tháng tới.

 

Năm 2023, khối lượng vốn đầu tư công cần giải ngân là rất lớn, gần 30 tỷ USD. Nếu giải ngân hết, đầu tư công sẽ tạo đột phá mạnh cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy sức mua của thị trường trong nước, đóng góp khoảng 1% GDP.

 

Giám đốc ADB cho rằng Việt Nam nên tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% đến cuối năm 2024 nhằm góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên tập trung vào các lĩnh vực xã hội như cung cấp hệ thống hỗ trợ việc làm và chi nhiều hơn nữa cho việc đào tạo kỹ năng cho người lao động để gia tăng cơ hội được tuyển dụng vào các lĩnh vực mới nổi và chuẩn bị một lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số trong giai đoạn tới.

 

Duy trì vị thế tiếp tục là "thỏi nam châm" thu hút dòng vốn FDI

Giám đốc ADB nhận định Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho đầu tư nước ngoài (FDI) trong khu vực.

 

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.

 

Cụ thể, tính đến 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.

 

Để duy trì vị thế tiếp tục là "thỏi nam châm" thu hút dòng vốn FDI, ông Shantanu Chakraborty cho rằng Việt Nam cần tiếp tục củng cố môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn nữa đối với khu vực tư nhân.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thúc đẩy tiến độ giải ngân do vẫn còn dư địa tài chính, tập trung vào củng cố cơ sở hạ tầng và tăng cường số hóa các hệ thống quản lý nhằm mang lại sự minh bạch cho nền kinh tế. Đây là 2 giải pháp nhằm giúp Việt Nam duy trì động lực tăng trưởng.

 

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vừa qua của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là một minh chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng trở thành trung tâm sản xuất lớn của khu vực cũng như thế giới.

 

ADB tin rằng với việc tiếp tục củng cố môi trường thuận lợi và đưa vào sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẽ giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI.

Bình luận