Đã có 175 giống sắn kháng được bệnh khảm lá, nông dân hết nỗi lo với loại dịch bệnh nguy hiểm này

Bình luận · 204 Lượt xem

Với tốc độ tăng gấp 10 lần theo cấp số nhân, diện tích giống sắn (khoai mì) kháng bệnh khảm lá từ 2.000ha ở Tây Ninh có thể tăng lên 10.000ha vào niên vụ 2023-2024

Những nỗ lực nhân nhanh giống sắn kháng bệnh khảm lá từ Tây Ninh đang mở ra cơ hội cung ứng giống kháng nhiều hơn cho nhu cầu sản xuất của nông dân trong tỉnh cũng như cả nước

Nỗ lực "zero dịch bệnh" khảm lá sắn ở Tây Ninh

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh chia sẻ như thế tại Hội thảo đánh giá tổng kết Dự án nghiên cứu thiết lập các giải pháp xử lý bệnh hại sắn khu vực Đông Nam Á tổ chức ngày 4/10, tại tỉnh Tây Ninh.

Năm 2017, bệnh khảm lá sắn xuất hiện lần đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh, rồi lan khắp các vùng trồng sắn cả nước. Tính đến cuối năm 2021, bệnh khảm lá sắn làm sụt giảm khoảng 15% sản lượng củ sắn tươi; tương đương khoảng 1,5 triệu tấn, khoảng 2.500 tỷ đồng, theo Hiệp hội Sắn Việt Nam.

Hội thảo đánh giá tổng kết Dự án nghiên cứu thiết lập các giải pháp xử lý bệnh hại sắn khu vực Đông Nam Á tổ chức ngày 4/10, tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội thảo đánh giá tổng kết Dự án nghiên cứu thiết lập các giải pháp xử lý bệnh hại sắn khu vực Đông Nam Á tổ chức ngày 4/10, tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tại "thủ phủ" sắn Tây Ninh, đến cuối năm 2022, diện tích trồng sắn đạt gần 62.000ha. Trong đó, diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá khoảng 41.260ha, gây thiệt hại khoảng 203.000 tấn, tương đương 649 tỷ đồng (tính bình quân 3,2 triệu đồng/tấn)

Trong nỗ lực "zero dịch bệnh" khảm lá sắn, tỉnh Tây Ninh thực hiện nhiều biện pháp, phối hợp nghiên cứu, nhân nhanh các giống sắn kháng bệnh khảm lá, không chỉ cho nông dân địa phương mà còn cho cả nước.

  • Nhiều nông dân mua nhầm giống khoai mì kháng bệnh khảm lá "dỏm"

Năm 2020, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) triển khai dự án Thiết lập các giải pháp bền vững xử lý bệnh hại sắn khu vực Đông Nam Á. Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ.

Dựa trên việc nhân giống, kiểm soát sâu bệnh hại, các giải pháp nông học..., các cuộc khảo nghiệm thực địa tại Việt Nam, chủ yếu được thực hiện tại Tây Ninh đã đạt được những kết quả khả quan.

175 dòng sắn vô tính, có tính kháng khảm đã được chọn lọc, bố trí trồng thử nghiệm kiểu hàng đơn ở Tây Ninh và Đồng Nai vào tháng 3/2021.

23 dòng sắn vô tính có năng suất tinh bột cao đã được chọn cho các thử nghiệm năng suất sơ bộ vào năm 2022.

Niên vụ 2023 - 2024, CIAT đã phát triển 7 dòng vô tính tốt nhất để đánh giá năng suất và độ ổn định tinh bột phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Tây Ninh.

Các chuyên gia quốc tế khảo sát vùng trồng giống sắn kháng khảm tại Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các chuyên gia quốc tế khảo sát vùng trồng giống sắn kháng khảm tại Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh, sắn là ngành hàng xuất khẩu tỷ USD và là loại cây trồng chủ lực của địa phương. Sau nhiều nỗ lực trong 2 năm trở lại đây, một số giống sắn kháng bệnh khảm lá đã được công bố lưu hành.

Tính đến tháng 12/2022, diện tích trồng sắn sử dụng các giống kháng bệnh khảm lá còn trên đồng là 117,5 ha; gồm các giống HN3, HN5, HN1, HN 80, HN 97. Trong đó, giống HN5 có diện tích nhiều nhất, 70ha.

Trong năm 2023, giống sắn kháng khảm HN36 được phép lưu hành, nâng tổng số lượng giống kháng khảm được phép lưu hành tại vùng Đông Nam Bộ lên 6 giống: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97.

Thành lập Trung tâm Nghiên cứu sắn ở Tây Ninh

Ngành nông nghiệp khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân tham gia cùng sản xuất, tăng khả năng cung cấp giống kháng khảm cho khoảng 2.000ha trên địa bàn tỉnh.

"Tính theo cấp số nhân gấp 10 lần (1 cây sắn giống có thể cho ra 10 hom giống - PV), diện tích giống sắn kháng bệnh khảm có thể tăng lên 10.000ha, thậm chí cao hơn vào niên vụ 2023 - 2024", ông Xuân cho biết.

Năm 2023 có 6 giống sắn kháng khảm được phép lưu hành tại vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2023 có 6 giống sắn kháng khảm được phép lưu hành tại vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đang liên kết với CIAT triển khai các dự án đánh giá tiềm năng của hơn 600 dòng giống sắn kháng bệnh khác.

"Tây Ninh sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế và mong muốn CIAT cùng các tổ chức quốc tế quan tâm hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ, đầu tư trong quá trình lai tạo, đánh giá và chọn lọc giống sắn kháng bệnh", ông Xuân nói.

Theo TS Jonathan Newby - Giám đốc Chương trình sắn Quốc tế - Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), mục tiêu chung của dự án nhằm nâng cao thu nhập của các hộ sản xuất nhỏ.

Việc này được thực hiện bằng cách cải thiện khả năng phục hồi của các hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị sắn, thông qua giải quyết các khó khăn về dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng.

Dự án bao gồm một chiến lược đa chiều, được thực hiện tại Việt Nam, Lào và Campuchia từ năm 2020.

Và khi sắp kết thúc, dự án càng phải chú trọng hơn đến sự hợp tác của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ các quốc gia, các dự án phát triển và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắn.

TS. Jonathan Newby (phải) cho biết Trung tâm CIAT đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để thành lập Trung tâm Nghiên cứu sắn ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

TS. Jonathan Newby (phải) cho biết Trung tâm CIAT đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để thành lập Trung tâm Nghiên cứu sắn ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tại Việt Nam, nhóm dự án đã có nhiều đóng góp trong việc vận động sự hỗ trợ trong nước cho việc nhân giống sắn kháng bệnh.

"Chúng tôi đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để thành lập Trung tâm Nghiên cứu sắn ở tỉnh Tây Ninh, có sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và các nhà đầu tư nghiên cứu", TS. Jonathan Newby nói.

Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Hội thảo hôm nay là việc ký Biên bản ghi nhớ giữa CIAT và UBND tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2024 - 2028. Việc ký kết nhằm tạo điều kiện CIAT tiếp tục công tác nghiên cứu và phát triển nông nghiệp và nông thôn, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tại tỉnh Tây Ninh.

"Hợp tác giữa 2 bên sẽ thúc đẩy xây dựng liên kết quốc tế, phối hợp triển khai hiệu quả việc nghiên cứu, lai tạo, trồng khảo nghiệm và sản xuất các giống sắn mới sạch bệnh, năng suất và chữ bột cao, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện canh tác tại Tây Ninh", ông Trần Văn Chiến chia sẻ.

Bình luận