Hà Nội mới chỉ có một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Bình luận · 199 Lượt xem

Ngày 4-10, tại huyện Mỹ Đức, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) tổ chức hội thảo “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao: Thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, hội thảo nằm trong chuỗi 10 hội thảo của Đề án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phổ biến, tập huấn kiến thức về khoa học, công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm tìm ra những giải pháp, mô hình và đề xuất những cơ chế chính sách góp phần thực hiện chỉ tiêu của Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII.

 

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào các chủ đề: Ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi; thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội; doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong nông nghiệp; định hướng chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao...

Theo bà Lê Thanh Hiếu, nguyên Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội), tính đến hết năm 2022, trên địa bàn Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Có 20 doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội chỉ có duy nhất Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Đây là doanh nghiệp đã tiên phong đầu tư vào công nghệ cao và trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Hà Nội vừa là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, vừa là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe ông Phạm Văn Trung, Quản lý nhà máy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao trình bày hành trình từ một doanh nghiệp nhỏ bé, KINOKO Thanh Cao đã vươn lên thành nhà sản xuất đầu tiên và duy nhất của Việt Nam ứng dụng công nghệ và xây dựng Nhà máy sản xuất nấm kim châm hiện đại theo mô hình Nhật Bản, tạo ra sản phẩm nấm hữu cơ an toàn, chất lượng cho người Việt, dần thay thế nấm nhập khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, hỗ trợ đào tạo sinh viên đến công ty học tập và trải nghiệm.

 

Qua hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Nội Lê Xuân Rao hy vọng các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp tích cực trao đổi thông tin, đề xuất phương án hợp tác để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, để Hà Nội có thêm nhiều doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Bình luận