Đứng trên mảnh ruộng vàng ươm mùa lúa chín, anh Bùi Văn Ra (ngụ tại ấp Phước Cường, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) vui mừng khi cây lúa của mình trĩu hạt, ra thêm nhiều nhánh mới. Lượng giống, phân bón rải ít hơn, nhưng lúa vẫn đứng vững, khỏe mạnh, năng suất vượt hơn mọi năm. Trước đây, mỗi nhánh lúa trên cánh đồng của người nông dân này chỉ cho ra 3-4 hạt.
Đó là kết quả của chương trình Canh tác lúa thông minh, được khởi xướng bởi công ty Cổ phần (CTCP) phân bón Bình Điền từ vụ hè thu 2016. Dự án nhận được sự phối hợp từ Trung tâm khuyến nông Quốc gia và trung tâm khuyến nông 13 tỉnh thành dễ bị tác động bởi xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giúp xây dựng và và chuyển giao quy trình canh tác lúa phù hợp, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy trình canh tác này được phát triển trên nền kỹ thuật “1 phải, 6 giảm”. Trong đó, “1 phải” là sử dụng giống xác nhận, còn “6 giảm” bao gồm: giảm bón thừa phân đạm, giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm phát thải khí nhà kính. Điểm đặc biệt trong quá trình canh tác ở mô hình là khuyến cáo nông dân nên sạ thưa với lượng giống từ 80 đến 120 kg/ha. Trong khi trước đây, theo tập quán cũ, bà con sử dụng lượng giống khoảng 150-200 kg/ha.
Tổng chi phí chương trình đã thực hiện khoảng 15 tỷ đồng, bình quân trong 7 vụ lúa (từ 2016 - 2022) khoảng 2 tỷ đồng/vụ và xây dựng chương trình tại Kiên Giang năm 2019 khoảng 1 tỷ đồng.
Sau 8 năm, với các biện pháp công trình và phi công trình, chương trình đã đạt được những thành công nhất định: 200-870 kg/ha tăng năng suất, 3,1-5,8 triệu đồng/ha tăng lợi nhuận, 1-1,5 triệu đồng giảm chi phí (tất cả so với đối chứng bình quân).
Thành công này đạt được nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 yếu tố Doanh nghiệp - Nông dân - Nhà nước. Trong đó, người nông dân là yếu tố tiên quyết. “Đây là mối quan hệ hữu cơ và bền vững trong hoạt động kinh doanh nông nghiệp”, ông Ngô Văn Đông - TGĐ CTCP Phân bón Bình Điền - nhận xét. Tuy nhiên, theo ông Đông, việc xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân là chuyện không dễ dàng. Đặc biệt hơn khi Bình Điền lại là một đơn vị cung cấp phân bón cho hoạt động nông nghiệp.
“Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn thì làm sao mà có lợi nhuận?” Đó là câu hỏi mà ông Đông nhận được kể từ khi bắt đầu chương trình Canh tác lúa thông minh.
“Tôi và những thành viên trong dự án lại nghĩ khác. Lợi nhuận hình thành từ liên kết hộ nông dân - doanh nghiệp, liên kết càng bền vững thì việc kinh doanh càng hiệu quả. Chính bà con nông dân là người mang lại kết quả sản xuất tư nhân cho chúng tôi và chúng tôi cũng phải suy nghĩ phục vụ lại bà con nông dân ngày một tốt hơn”, ông Đông chia sẻ.
Giám đốc, kỹ sư xắn quần đi ra ruộng, giúp nông dân trở thành chuyên gia về nông nghiệp
“Cái khó là làm người nông dân tin vào tính khả thi và hiệu quả kinh tế của dự án, từ đó chuyển đổi mô hình canh tác, bởi nông nghiệp là một ngành mang tính truyền thống khá cao”, ông Đông chia sẻ.
Chính vì thế, không ngồi bàn giấy để đề ra quy trình, từ tổng giám đốc, kỹ sư dự án cho đến nhân viên phòng ban đều bước ra đồng cùng nông dân. Những ngày cùng bà con ngồi trên ghe đi xuyên kênh, rạch để thăm ruộng đã giúp nhóm thực hiện dự án hiểu hơn về tình hình sản xuất nông nghiệp cũng như là tâm tư của người làm ra hạt gạo.
Ngoài ra, bằng cách phối hợp với những người có tiếng nói sát với nhà nông nhất như các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường, viện, Bình Điền từng bước tháo gỡ khoảng cách giữa người nông dân và doanh nghiệp. Công ty đưa ra cam kết, sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm với nông dân khi họ chấp thuận tham gia dự án.
Theo ông Đông, đối với những phương thức canh tác mới thì các chính sách hỗ trợ ưu đãi, cam kết là điều kiện để nông dân mạnh dạn hơn trong việc áp dụng. Vì những khoản hỗ trợ đó sẽ phần nào bù đắp được những rủi ro trong quá trình chuyển đổi.