Nơi chiếm 15% tổng đàn dê cả nước gặp khó trong tiêu thụ

Bình luận · 546 Lượt xem

Khu vực ĐBSCL hiện chiếm khoảng 15% tổng đàn dê của cả nước đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do sức mua của thị trường yếu.

Giá dê hơi còn 95.000 đồng/kg

Chăn nuôi dê hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức tiêu thụ của thị trường yếu, giá cả đầu ra chưa ổn định. Theo bà con nông dân, các tháng đầu năm giá dê dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Cách đây, 4 tháng giá dê loại 1 (dê đực, béo tốt) tăng lên khoảng 120.000 đồng/kg. Hiện dê loại 1 giảm còn 95.000 đồng/kg. Riêng dê cái già, dê gầy có giá thấp nhất, chỉ trên 40.000 đồng/kg. Dê giống 100.000 đồng/kg.

 

Với giá này, người nuôi dê theo mô hình bán công nghiệp, nuôi vỗ béo chỉ có lời chút đỉnh do phải đầu tư tiền cám. Chi phí dê giống trọng lượng khoảng 15kg là 1,5 triệu đồng. Bà con đầu tư thêm 3 bao cám để vỗ béo trong vòng 4-5 tháng với chi phí khoảng 900.000 đồng. Khi dê đạt trọng lượng từ 40kg sẽ xuất chuồng. Với giá dê loại 1 như hiện nay, trừ hết chi phí có thể lời từ 500.000 - 700.000 đồng/con. Tuy nhiên, nếu người nuôi dê mua giống giá cao có thể bị thua lỗ.

 

Ông Đoàn Văn Hồng, ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đang nuôi trên 1.000 con dê vỗ béo hướng thịt chia sẻ: Hiện, chi phí thức ăn khá cao nhưng bù lại đàn dê béo tốt, đạt chuẩn loại 1 nên đầu ra rất ổn định, giá tại chuồng là 95.000 đồng/kg. Thị trường đang kén hàng nên dê phải đẹp mới bán được, dê gầy sẽ không có thương lái mua hoặc giá thấp hơn đến vài chục nghìn đồng/kg.

 

Tại hộ ông Lê Văn Ngay, ở ấp Thành Quý, xã Thành Trung, trước đây đàn dê thịt trên 100 con, nay còn chỉ hơn 20 con dê nái và hơn 30 dê tơ giống Boer lai. Ông Ngay cũng như nhiều hộ nuôi dê địa phương này đang phải chịu trận vì đầu ra con dê ở đây rất khó.

 

Giá dê giảm mạnh nên nhiều nơi nông dân bắt đầu giảm đàn. Tại xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, ông Bùi Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã cho hay, lúc đỉnh điểm đàn dê của xã có trên 1.000 con. Hiện tại, tổng đàn dê ở xã Thành Trung chỉ còn khoảng 500 con, giảm đến phân nửa. Nhiều hộ có đàn dê đến hơn trăm con nay giảm còn 30 - 40 con, các hộ còn lại cũng giảm phân nửa.

 

Với hơn 8 năm kinh nghiệm trong nghề, ông luôn chịu khó học hỏi để đàn dê béo tốt. Ngoài tận dụng dây khoai lang có nhiều ở địa phương để làm thức ăn cho dê, đối với dê ốm ông cũng cho ăn thêm thức ăn công nghiệp và bã đậu nành, hèm rượu để vỗ béo. Vì đầu ra đang rất chậm nên để bán được con dê phải chờ rất lâu. Bí quá, nhiều khi có khách chịu mua 5kg thịt tươi ông cũng sẵn sàng mổ bán lẻ.

 

“Gặp bạn bè nuôi dê chung, ai cũng than hết. Nói chung, ở đâu nó cũng vậy chứ không riêng chỗ này. Dê giống cũng không bán được, chủ yếu bán dê thịt. Bây giờ, dê nái đẻ bao nhiêu mình cũng phải nuôi”, ông Lê Văn Ngay tâm sự

Chủ động giảm giá thành

Nhìn chung, dê được xem là loại gia súc dễ nuôi, thích ứng với thức ăn đa dạng, chi phí đầu tư con giống thấp và ít bị tác động bởi các loại bệnh tật phức tạp. Tại ĐBSCL, nghề nuôi dê phát triển mạnh nhất ở các tỉnh Bến Tre với tổng đàn 198.000 con. Kế đến là Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long... với tổng đàn hàng chục đến trăm nghìn con.

 

Chăn nuôi dê ở ĐBSCL vẫn theo hình thức nhỏ lẻ, đàn dê thường dưới 10 con, chiếm trên 70%. Trang trại lớn từ 50 con trở lên chiếm chưa đầy 1%. Tổng đàn dê của vùng chiếm khoảng 15% tổng đàn dê cả nước.

 

Để giảm chi phí, nguồn con giống được người dân nuôi dê nái sinh sản, giữ giống nuôi qua các năm. Cùng với đó, bà con tận dụng nguồn phế, phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn cho dê. Điển hình như tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long trước đây, nơi này được xem như thủ phủ khoai lang của cả nước với diện tích sản xuất bình quân khoảng 13.000ha/năm. Nguồn dây khoai lang dồi dào đã tạo điều kiện cho nghề nuôi dê ở đây phát triển mạnh. Cuối năm 2022, tổng đàn dê của huyện Bình Tân đạt trên 9.000 con, chiếm khoảng 50% đàn dê toàn tỉnh.

 

Về mặt xã hội, con dê là vật nuôi hỗ trợ thoát nghèo cho rất nhiều hộ dân. Đặc biệt, con dê được xem là gia súc thích nghi tốt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Dê được nuôi nhiều ở các vùng ven biển ĐBSCL như Gò Công Đông (Tiền Giang), Ba Tri (Bến Tre), Duyên Hải (Trà Vinh)… Đây là mô hình được khuyến khích để giảm nghèo.

 

Theo chia sẻ từ bà con nuôi dê, trong 2 năm, mỗi dê cái sinh sản được 3 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 3 con. Sau một năm nuôi dê đực có trọng lượng từ 30 - 40 kg. Dê cái sau 9 tháng nuôi đạt trọng lượng khoảng 20kg là có thể xuất chuồng. Thời điểm giá dê khoảng 120.000 đồng/kg, với 30 dê nái sinh sản có thể cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, giá dê giảm còn ở mức bình quân khoảng 80.000 đồng/kg thì thu nhập của bà con đã giảm rất đáng kể, tuy nhiên vẫn có lãi chút đỉnh nhờ chi phí đầu tư thấp.

 

Theo Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, trong điều kiện giá dê hơi giảm sâu, để chăn nuôi hiệu quả bà con cần chú ý phòng bệnh cho dê. Đặc biệt, chú trọng tiêm phòng vacxin cho các bệnh lở mồm long móng, đậu dê, tụ huyết trùng, viêm ruột hoại tử. Bà con tận dụng tốt các phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn tự nhiên để giảm giá thành chăn nuôi. Đối với dê vỗ béo cần bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp, bã đậu nành để dê không bị ốm, bán được giá.

 

Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cũng đánh giá con dê được xem vật nuôi giúp nông dân tăng thêm thu nhập phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, con dê dễ nuôi, giá thành đầu tư không cao người chăn nuôi dễ tiếp cận để đầu tư. Mặt khác, con dê được xem vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay vì con dê chịu được hạn, mặn, nguồn thức ăn phong phú, người dân trồng xen cỏ trong vườn cây để làm nguồn thức ăn cho đàn dê.

 

Ngành chức năng tỉnh Bến Tre đang khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi dê thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, đặc biệt là các huyện ven biển, điều kiện sống khắc nghiệt. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân tham gia các tổ hợp tác chăn nuôi dê để có liên kết chặt chẽ đầu ra cho bà con nông dân, giúp chăn nuôi dê cho thu nhập ổn định và bền vững hơn trong tương lai.

Hỗ trợ người dân nuôi dê hướng thịt

Thực hiện Dự án Khuyến nông Quốc gia về xây dựng mô hình chăn nuôi dê hướng thịt tại một số tỉnh vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn Đồng Tháp phối hợp Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Vĩnh Long triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi dê hướng thịt tại tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long với quy mô 700 con. Nuôi giống dê Bách Thảo lai Boer, mỗi hộ tối thiểu 10 con.

 

Tại Đồng Tháp, mô hình được triển khai tại các xã: Tân Công Chí và Tân Phước (huyện Tân Hồng), Mỹ Quý và Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười) tiến hành hỗ trợ dê giống cho 9 hộ tham gia mô hình với số lượng 400 con dê nuôi thịt. Tại Vĩnh Long, Dự án đã hỗ trợ 300 con dê giống cho 15 hộ dân ở xã Long Phước, huyện Long Hồ và xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

 

Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn công nghiệp, vacxin, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, nhận biết các bệnh thường gặp, ghi chép nhật ký mô hình, tính toán hiệu quả kinh tế.

 

Ông Lê Hải Việt, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết: mô hình được triển khai từ tháng 3/2023. Tháng 6/2023, dê được giao cho bà con với trọng lượng 15kg/con. Đến nay, đàn dê phát triển ổn định, trọng lượng dao động từ 25 - 30kg/con. Dự án giúp cho bà con nông dân tiếp cận được nguồn con giống chất lượng, năng suất cao cũng như nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi dê hướng thịt. Qua đó, góp phần cải thiện kinh tế cho bà con nông dân chăn nuôi.

Bình luận