Tuyên Quang: Kế thừa và phát triển tinh hoa y học cổ truyền

Bình luận · 268 Lượt xem

Những bài thuốc dân gian, những kinh nghiệm quý báu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được lưu truyền từ đời này sang đời khác đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo nên sự phong phú, đa dạng và những

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của nền y học hiện đại, công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được Hội Đông y các cấp quan tâm, duy trì và phát huy.

Mục tiêu là không để mất đi một bài thuốc hay, một cây thuốc quý, những lương y, ông lang, bà mế đã tích cực truyền dạy, kế thừa tinh hoa y học cổ truyền cho thế hệ con cháu và những người tâm huyết với nghề.

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 137 Hội Đông y các xã, phường đang hoạt động hiệu quả với gần 2.150 hội viên. Theo bác sĩ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, thổ nhưỡng phong phú, phù hợp với sự phát triển của nhiều loại động, thực vật, trong đó có nhiều loại cây, con làm thuốc chữa bệnh.

Những bài thuốc dân gian, những kinh nghiệm quý báu được lưu truyền từ đời này sang đời khác đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo nên sự phong phú, đa dạng và những bản sắc riêng của y học cổ truyền. Nhiều ông lang, bà mế tâm huyết nghề nghiệp đã bảo tồn, lưu giữ những bài thuốc gia truyền hay, góp phần quan trọng trong phát triển Đông y trên địa bàn tỉnh và của cả nước.

Từ lâu, người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã biết đến lương y Bàn Văn Mạnh, thôn Đồng Vàng, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) nổi tiếng với các bài thuốc chữa dạ dày, gan, thận, hen, các loại thuốc tắm cho bà đẻ, chữa bệnh ngoài da... Ông cho biết, tất cả các loại dược liệu đều được lấy từ tự nhiên, không qua ngâm tẩm hóa chất hay bất cứ chất bảo quản nào, như vậy mới giữ được dược tính của các loại thuốc quý. Sau khi được thu hái, thuốc được rửa sạch, phơi khô, băm nhỏ rồi kết hợp với nhau tạo thành một thang thuốc chữa bệnh hiệu quả.

Hay ở xã Bình Xa (Hàm Yên) nhiều người biết đến ông lang Phạm Xuân Đương với bài thuốc chữa bệnh. Các bài thuốc của ông Đương được lưu truyền từ đời này qua đời khác được nhiều bà con gần xa biết đến và sử dụng. Mỗi thang thuốc đều được lương y Đương hái ở núi, rừng với nhiều loại thảo dược lành tính, bổ dưỡng, tốt cho gan, thận, xương khớp.

Từ những bài thuốc được sưu tầm, kế thừa gia truyền trong họ tộc, các hội viên trong Hội, các ông lang, bà mế đã phát huy tốt các bài thuốc quý chữa khỏi bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm. Hầu hết các hội viên tuyến huyện và xã sử dụng cây thuốc, vị thuốc tại địa phương, tự thu hái, chế biến và bảo quản nên chất lượng thuốc tốt, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người bệnh. Một số hội viên có những bài thuốc gia truyền chữa những chứng bệnh khó đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh nặng, khó như: rắn cắn, viêm đại tràng mạn, chữa vô sinh, các bệnh xương khớp, viêm gan mạn, xơ gan...

Nhờ làm tốt công tác kế thừa, phát huy giá trị, tỷ lệ bệnh nhân được khám và điều trị bằng y học cổ truyền ngày càng tăng. Các khoa Đông y tại trung tâm y tế các huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y dược cổ truyền cũng đã hiện đại hóa y học cổ truyền, đa dạng các kỹ thuật điều trị, kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và y học hiện đại để chữa bệnh cho người dân. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 39.200 lượt bệnh nhân điều trị bằng Đông y với gần 45.200 thang thuốc được dùng, 64.602 lượt bệnh nhân thực hiện các thủ thuật châm, điện châm, thủy châm...

Bà Nguyễn Thị Phương, tổ 17, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, do tuổi cao nên bà thường xuyên đau nhức chân tay, đau đầu. Khi đến khám tại Bệnh viện Y dược cổ truyền, bà được chẩn đoán rối loạn tuần hoàn máu não, thoái hóa khớp. Bà đã được điều trị xung điện, điện châm, xoa bóp kết hợp với sử dụng các thuốc tây y. Hiện nay các triệu chứng đau nhức chân tay, đau đầu, chóng mặt đã giảm hẳn.

Bác sĩ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới các cấp Hội tiếp tục quan tâm, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, hội viên. Qua đó khẳng định vị trí, tầm quan trọng của y học cổ truyền trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bình luận