Nhân rộng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái

Bình luận · 212 Lượt xem

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp, HTX và người dân đã sáng tạo để phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Từ thực tế cho thấy, đây là mô hình mang lại hi

Khách tham quan trải nghiệm hoạt động hái nho tại khu vườn của gia đình anh Hoàng Thanh Minh, xã Đồng Lợi (Triệu Sơn).

Những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, vườn nho Hạ đen sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Hoàng Thanh Minh, xã Đồng Lợi (Triệu Sơn) luôn nhộn nhịp khách tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm hoạt động hái nho. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, gia đình anh Minh phải trang trí thêm tiểu cảnh, lắp đặt nhiều vật dụng trong vườn nho gắn liền với đời sống làng quê để thu hút khách du lịch. Anh Minh, cho biết: "Dù nho Hạ đen không phải là mô hình sản xuất mới tại tỉnh Thanh Hóa, song với quy mô sản xuất lớn, những luống nho chín dài ngút tầm mắt là những tiểu cảnh đẹp... luôn thu hút du khách, nhất là đối với các bạn trẻ. Bên cạnh đó, gia đình tôi ngay từ đầu đã lựa chọn phát triển du lịch canh nông, trải nghiệm nên luôn chuẩn bị dịch vụ tốt nhất để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Ðây cũng là cách đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm, góp phần quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp sạch tỉnh Thanh Hóa".

Được biết, chỉ tính riêng mức thu 30.000 đồng/lượt người lớn và 15.000 đồng/lượt đối với trẻ em vào tham quan, chụp ảnh tại vườn nho, dịp nghỉ lễ 2-9 vừa qua, anh Hoàng Thanh Minh đã thu về khoảng 30 - 40 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần, truyền thống.

Tại xã Bình Sơn (Triệu Sơn) hoạt động tham quan gắn với trải nghiệm hoạt động sản xuất chè truyền thống đang thu hút khá đông du khách. Nhận thấy tiềm năng du lịch sinh thái, ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn và một số thành viên đã mạnh dạn tổ chức đón tiếp, cung cấp dịch vụ trải nghiệm thu hái, sao chè cho khách du lịch, người dân trong và ngoài tỉnh. Ông Tú cho biết: Sau khi đa dạng hóa dịch vụ sản xuất gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, sản phẩm chè Bình Sơn ngày càng được nhiều người dân, du khách biết đến. Khi đến với Bình Sơn, du khách không những được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, chiêm ngưỡng bức tranh “sơn thủy hữu tình” mà còn được quảng bá về quy trình sản xuất sản phẩm sạch, được tìm hiểu giới thiệu về văn hóa sinh hoạt, sản xuất của các đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn xã. Đây là hoạt động ý nghĩa, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất mà còn quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Lê Khương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn: Những mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm tại xã Đồng Lợi, Bình Sơn đã và đang phát triển thời gian gần đây mang lại hiệu quả khả quan. Song, chủ yếu là mô hình tự phát với quy mô nhỏ của các hộ gia đình. Muốn duy trì mô hình lâu dài thì cần nguồn vốn đầu tư, phát triển được sản phẩm chất lượng và cung cấp dịch vụ hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, các mô hình phải nghiên cứu phát triển theo định hướng quy hoạch của địa phương, gắn với chính sách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, có như vậy mô hình mới phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập của người làm nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái không phải là mô hình mới nhưng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả. Bên cạnh các mô hình tiêu biểu như: mô hình nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm (Quảng Xương); mô hình trang trại nông nghiệp giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm (Đông Sơn); nông trại Golden Cow (Thường Xuân); làng du lịch Yên Trung (Yên Định)... thì các mô hình nông nghiệp trồng cây ăn quả công nghệ cao tại Thạch Thành, Thọ Xuân; chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân); du lịch cộng đồng tại bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường (Bá Thước); bản Năng Cát (Lang Chánh), tham quan đồi chè Bình Sơn (Triệu Sơn)... ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Nhằm kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa du lịch nông nghiệp với XDNTM gắn hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững, ngày 14-4-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về thực hiện “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong XDNTM giai đoạn 2023-2025, tỉnh Thanh Hóa”. Trong đó, mục tiêu của kế hoạch là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Đây là cơ sở, nền tảng để loại hình du lịch kết hợp nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm được nhân rộng, phát triển trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, mở ra hướng phát triển rất khả quan cho nông dân, để nông dân không chỉ trông chờ vào những cây trồng, vật nuôi truyền thống mà còn biết cách làm giàu từ nhiều mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp trên thửa ruộng, mảnh vườn của mình.

Bình luận