Đồng hành giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế

Bình luận · 221 Lượt xem

Nhiều năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Hoài Đức đã chủ động nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ nông dân, như: Tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề, quảng bá, tiêu thụ s

Nhờ đó, đã có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập, đời sống của hội viên, nông dân ngày càng được nâng cao.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh, các cấp Hội Nông dân huyện đã phối hợp với một số đơn vị liên quan giúp hội viên vay vốn ưu đãi để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn huyện đạt tổng dư nợ 171,969 tỷ đồng, cho 4.042 hộ hội viên nông dân vay, trong đó nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân 32,985 tỷ đồng, cho 1.152 hộ vay thực hiện 75 dự án phát triển sản xuất; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 7 tỷ đồng, cho 62 hộ vay; Ngân hàng Chính sách xã hội 131,974 tỷ đồng, cho 2.821 hộ vay. Các nguồn vốn vay được hội viên sử dụng đúng mục đích, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tại xã Yên Sở, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ hội viên vay hơn 7 tỷ đồng để thực hiện các mô hình trồng bưởi, cây cảnh, trồng nấm, làm mộc. Tiêu biểu là hội viên Nguyễn Tá Tuấn, vay 50 triệu đồng để mua gỗ nguyên liệu cho xưởng mộc. Hiện, xưởng mộc của anh Tuấn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động, với thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Hay hộ hội viên Nguyễn Đăng Điểm, nhờ được Hội Nông dân xã hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đã phát triển mô hình trồng nấm và trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố… Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sở Nguyễn Đắc Ngọ thông tin, dự kiến trong tháng 11-2023, Hội sẽ hoàn thiện các thủ tục cho 14 hộ hội viên vay, với tổng số tiền là 700 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân huyện Hoài Đức cũng chủ động, phối hợp các ban, ngành liên quan của huyện thực hiện tốt các hoạt động chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề cho hội viên nông dân và con em hội viên nông dân. Tính từ năm 2018 đến nay, các cơ sở Hội phối hợp các ngành, đoàn thể tổ chức được 414 lớp tập huấn cho 41.960 lượt hội viên nông dân về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, rau màu, cây ăn quả, an toàn thực phẩm... Thông qua các buổi tập huấn, đã giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên nông dân trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Yên Tạ Khánh Hưng cho biết, cả xã có 33ha trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Tiền Lệ và thôn Yên Thái; trong đó có 4 sản phẩm rau dền, cải ngồng, cải ngọt, mùng tơi ở thôn Tiền Lệ đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao và 4 sao. Để đạt được kết quả này, tính từ năm 2022 đến nay, Hội Nông dân xã Tiền Yên và các đơn vị chức năng đã tổ chức các lớp tập huấn cho gần 1.000 lượt hội viên nông dân về áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn, bảo quản sản phẩm rau sau thu hoạch, sử dụng phân vi sinh trong chăm sóc rau… Hiện tại, thu nhập trên 1ha canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Tiền Yên đạt 680-700 triệu đồng/năm.

“Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân Hoài Đức tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, hội viên nông dân phát triển nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch vùng sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng. Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân của huyện cũng thực hiện những chính sách hỗ trợ nông dân về ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, thay đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới, có sự liên kết chuỗi giá trị…”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho hay.

Bình luận