Huy động các nguồn lực thực hiện khâu đột phá về khoa học công nghệ tại Cẩm Thủy

Bình luận · 204 Lượt xem

Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là khâu then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; những năm gần đây, huyện Cẩm Thủy đã huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh ng

Mô hình trồng cây gai xanh tại xã Cẩm Tú.

Vụ mùa năm nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Thủy phối hợp với UBND xã Cẩm Phú triển khai mô hình trồng lúa nếp hạt cau trên diện tích gần 30 ha ở các thôn Hoàng Thịnh, Thanh Phúc, Lạc Long và Hoàng Vĩnh. Giống nếp này chủ yếu trồng ở chỗ có chân đất thấp và chỉ trồng được 1 vụ/năm (do thời gian sinh trưởng từ 150 - 160 ngày, dài hơn các giống lúa khác từ 25 đến 30 ngày) nên không trồng được vụ đông. Được biết, lúa nếp hạt cau là giống lúa bản địa quý, khi chín, vỏ hạt màu cau khô, hạt gạo tròn, trắng đục. Nhờ chất lượng gạo thơm, dẻo, đậm đà nên được nhiều người ưa chuộng.

Ông Lưu Tuấn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, cho biết: Nhận thấy giống lúa nếp hạt cau rất phù hợp với đồng đất xã Cẩm Phú nên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã phối hợp với UBND xã triển khai trồng giống lúa nếp này. Qua thời gian sinh trưởng, cây lúa phát triển tốt, theo đánh giá thì năng suất bình quân từ 2,2 đến 2,5 tạ/sào, với giá bán từ 200 - 250 nghìn đồng/yến; sau khi trừ chi phí thu về 2,5 - 3 triệu đồng/sào, cao hơn giống lúa khác từ 1 - 1,5 lần. Để có được kết quả trên, trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con Nhân dân cách phòng tránh các loại sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân và hướng dẫn chuyển giao các tiến bộ khoa học và kỹ thuật mang lại thu nhập ổn định cho Nhân dân.

Ngay sau khi Kế hoạch hành động số 27-KH/TU về thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN; chủ động tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (tháng 8 năm 2021) được ban hành, huyện Cẩm Thủy đã cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từng bước đưa KH&CN trở thành một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, cùng với nguồn lực của các tổ chức, cá nhân (thông qua đầu tư, mua sắm, trang bị, ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh) và nguồn ngân sách Nhà nước cho hoạt động KH&CN (được phân bổ với tổng kinh phí trên 2,8 tỷ đồng). Từ nguồn kinh phí được giao, huyện Cẩm Thủy đã tiến hành xây dựng các sản phẩm OCOP; vận hành hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc; xây dựng cơ sở dữ liệu thu hút đầu tư; triển khai phần mềm giáo án điện tử, phần mềm học ngoại ngữ...

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND, ngày 17-7-2021 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; UBND huyện Cẩm Thủy đã phối hợp với các ban, sở, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực, như: Phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyển đổi số, đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất các sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại, HTX, hộ gia đình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống chế biến nông sản, liên kết sản xuất như, liên kết trồng cây gai xanh, liên kết trồng cây mía nguyên liệu (liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn). Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số theo hướng nhà máy thông minh, tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; trong đó, quan tâm đào tạo nghề, kỹ năng thực hành công nghệ số cho người lao động trong sản xuất nông nghiệp...

Đặc biệt, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động nhằm thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, thân thiện với môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN. Ngoài ra, huyện Cẩm Thủy đã xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, khảo nghiệm các loại giống cây trồng mới, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển các sản phẩm du lịch thông minh, quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Hóa thông qua các hoạt động tiếp thị trực tuyến. Tiếp tục tổ chức các mô hình trình diễn chuyển giao cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trong các khâu giải phóng đất, gieo cấy và thu hoạch tại các xã Cẩm Thạch, Cẩm Ngọc và Cẩm Bình, Cẩm Vân...

Thời gian tới, huyện Cẩm Thủy tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại, HTX, hộ gia đình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống chế biến nông sản, liên kết sản xuất. Đẩy mạnh áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật, trong lĩnh vực y học nhằm chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Thực hiện cơ chế, chính sách linh hoạt để hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp ứng dụng KH&CN phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện chú trọng tăng cường mối liên hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cơ sở sản xuất, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, có điều kiện thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tăng cường các giải pháp khơi dậy, phát huy nguồn lực trí tuệ để xây dựng, phát triển các sáng kiến, đề tài, nhất là các đề tài có tính đột phá, gắn với chuyển đổi số, kinh tế số.

Bình luận