Câu chuyện thủy lợi tại Bình Dương: [Bài 2] Đảm bảo nước sạch

Bình luận · 201 Lượt xem

Bình Dương là tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cao khiến vấn đề đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt trở nên cấp thiết. Thủy lợi đã giải bài toán này.

Nguồn nước dồi dào

Những năm qua, nhiều người ở Đồng bằng sông Cửu Long đã quen với cụm từ “đi Bình Dương”, hoặc “về thành phố”, để chỉ những người rời làng đến với các khu công nghiệp Đông Nam bộ hoặc tới TP.HCM tìm việc, bất luận công việc gì. Với trên 2,6 triệu người, dân số Bình Dương được xếp hạng thứ 6 về đơn vị hành chính đông dân nhất nước ta và xếp thứ 4 về số tỉnh thành có dân số đông nhất cả nước.

 

Hiện Bình Dương có 1 đô thị loại I (thành phố Thủ Dầu Một), 4 đô thị loại III (Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên) và 5 đô thị loại V thuộc huyện (gồm thị trấn: Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình). Mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa khá cao đạt trên 82% nhưng Bình Dương vẫn đặt mục tiêu quản lý quá trình đô thị theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng đô thị, trong đó, có vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là giải quyết nước sạch, nước sinh hoạt cho hàng triệu người.

 

Theo Chi cục thủy lợi tỉnh Bình Dương, nước sạch là một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Có nước sạch thì đời sống sinh hoạt của người dân mới được cải thiện. Vì vậy, việc phát triển mạng lưới cấp nước sạch ở nông thôn Bình Dương không chỉ giúp người dân tránh được những bệnh liên quan do sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng mà còn góp phần giúp cho nguồn nước ngầm ở các khu vực nông thôn trong tỉnh không bị khai thác quá mức.

 

Hiện nguồn khai thác sử dụng nước của Bình Dương từ 2 nguồn cơ bản, gồm nguồn nước dưới đất và nguồn nước mặt. Về nước ngầm dưới đất chủ yếu là nước nhạt với 5 tầng chứa nước chính, gồm 4 tầng chứa nước lỗ hổng và 1 tầng chứa nước khe nứt. Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh khoảng 2.180.000m3/ngày đêm, tương đương khoảng 797 triệu m3/năm.

 

Về nước mặt, tỉnh được bao bọc bởi 3 sông lớn là Sài Gòn, Đồng Nai và sông Bé, cùng với 1 sông nội tỉnh là Thị Tính. Bên cạnh nguồn nước sông, trên địa bàn tỉnh còn có 7 hồ chứa với tổng dung tích hữu ích lên tới 1.138 triệu m3 nước, là nguồn trữ lượng dồi dào để khai thác, sử dụng. Trong đó, 2 hồ Phước Hòa và Dầu Tiếng là các hồ chứa liên tỉnh thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Hiện toàn tỉnh Bình Dương hiện có 3 đơn vị cấp nước sạch. Trong đó, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương có 7 nhà máy cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn với tổng công suất thiết kế 450.000m3/ngày đêm;

 

Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn tỉnh đang quản lý vận hành 31 công trình cấp nước sạch tập trung và nối mạng nông thôn thuộc 30 xã trên địa bàn 5 huyện, thị của tỉnh. Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một sản xuất và bán nước sạch khoảng 160.000m3/ngày đêm.

 

Phấn khởi nước sạch

Lạc An là xã chủ yếu phát triển về nông nghiệp thuộc vùng xa của huyện Bắc Tân Uyên. Những năm qua, xã luôn chú trọng nâng cao chất lượng đời sống cho bà con nông dân. Đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế cuộc sống và việc sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, ông Đặng Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc An cho biết, tuy nằm cạnh sông Đồng Nai nhưng trước đây người dân địa phương lại sống trong cảnh thiếu nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, hầu hết phải sử dụng giếng đào, giếng khoan truyền thống không phù hợp vệ sinh.

 

Xác định được tầm quan trọng của nước sạch đối với người dân và hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, địa phương đã đề nghị cơ quan chức năng đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước tập trung, nâng tỷ lệ tiếp cận đầy đủ và công bằng nguồn nước sạch sinh hoạt của người dân nông thôn của xã.

 

Hiện trên bàn đã có công trình cấp nước tập trung với công suất 1.000m3/ngày đêm, đang cung cấp cho trên 2.000 hộ đạt 100% số hộ dân trên toàn xã. Nước được bơm từ sông về sau đó xử lý, khử trùng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra. Nguồn nước cung cấp cho dân bảo đảm không gián đoạn.

 

“Có thể nói, từ khi có những công trình nước sạch đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân xã Lạc An, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường”, ông Đặng Quyết Thắng phấn khởi nói.

 

Là một trong những hộ đầu tiên được sử dụng nước sạch, ông Nguyễn Đình Phước, ấp 3, xã Lạc An chia sẻ, mặc dù sống cạnh sông Đồng Nai nhưng trước đây, gia đình tôi sử dụng nguồn nước giếng tự đào, vài tháng lại phải thay cát, sỏi để lọc, nguồn nước lại không bảo đảm vệ sinh, đôi khi có mùi tanh. Từ khi có các chương trình nước sạch về nông thôn, gia đình tôi và bà con rất phấn khởi, yên tâm khi sử dụng.

 

“Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây rất vui mừng khi trên địa bàn xã xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước đến nhiều khu vực giúp bà con được sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh, tránh được các bệnh liên quan tới nguồn nước”, ông Phước nói.

 

Tỉnh Bình Dương có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia là 96,5% (tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước là 93,7%) tương đương 98.698/102.281 hộ.

 

Theo quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2035, tỉnh đã có lộ trình, phương án chuyển đổi việc khai thác, sử dụng nước từ nguồn dưới đất sang nguồn nước sạch, nước mặt đã qua hệ thống, quy trình xử lý bảo đảm.

 

Hai lợi ích lớn khi thực hiện phương án này là người dân sẽ được sử dụng nguồn nước sạch bảo đảm an toàn sức khỏe đồng thời chất lượng, trữ lượng nguồn nước dưới đất gắn liền kết cấu, chất lượng địa chất cũng sẽ được cải thiện, bảo đảm cho các thế hệ mai sau.

Trần Trung - Phúc Lập

Bình luận