Đẩy mạnh kết nối cung cầu để tiêu thụ nông sản

Bình luận · 188 Lượt xem

Cùng với các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia các hội chợ, chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thời gian qua, Sở Công thương đã đẩy mạnh triển khai hợp tác, kết nối cung cầu với giữa các d

Thực hiện chương trình hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, mới đây, thông qua kết nối của Sở Công thương, đoàn công tác của Thành phố Hà Nội gồm Sở Công thương và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố như: Tập đoàn Central Retail, Công ty Cổ phần kinh doanh và chế biến nông sản Bảo Minh, Công ty TNHH Musa Pacta, Công ty Cổ phần giống gia súc Hà Nội, Công ty TNHH Thực phẩm Lương An... đã có chuyến khảo sát kết nối cung cầu hàng hóa nông sản, hợp tác, phát triển vùng nguyên liệu nông sản, chuối, mây tre, vùng chăn nuôi phát triển đàn bò BBB... Từ đó cung cấp nguyên liệu, sản phẩm uy tín, chất lượng cho Thủ đô Hà Nội.

Tại chuyến khảo sát, đoàn công tác đã làm việc với Công ty TNHH Green Globe tại huyện Hướng Hóa về quy trình chế biến, năng lực sản xuất đối với sản phẩm chuối sấy dẻo; khả năng thu mua chuối quả, thân cây chuối để cung ứng cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Làm việc với Công ty TNHH MTV Từ Phong tại huyện Cam Lộ về các sản phẩm đặc trưng của công ty gồm: dầu lạc, dầu mè, bơ lạc. Tìm hiểu các sản phẩm cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên của Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân, Hợp tác xã dược liệu Trường Sơn, Công ty TNHH cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy. Khảo sát vùng nguyên liệu và quy trình sản xuất đậu xanh tằm của HTX nông nghiệp Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh; vùng nguyên liệu trồng hồ tiêu của HTX hồ tiêu Vĩnh Linh.

Khảo sát các trang trại chăn nuôi bò vỗ béo tại xã Tân Long; vùng nguyên liệu trồng chuối tại xã Thuận, huyện Hướng Hóa. Tham quan nhà máy chế biến và bảo quản lúa gạo; khảo sát vùng nguyên liệu lúa hữu cơ; tìm hiểu quy trình sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học từ thảo dược; khảo sát năng lực tiếp nhận, tổ chức chăn nuôi lô bò giống BBB 100 con do Thành phố Hà Nội chuyển giao cũng như các sản phẩm gạo hữu cơ, hồ tiêu... của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị.

Tại những nơi đến khảo sát, các thành viên của đoàn công tác Thành phố Hà Nội đã đánh giá cao các sản phẩm của tỉnh như gạo hữu cơ, tiêu, chuối, đậu xanh... và bước đầu đưa ra những nhu cầu kết nối, hợp tác tiêu thụ các sản phẩm nói trên về Thành phố Hà Nội tiêu thụ.

Cụ thể trước mắt, Tập đoàn Central Retail đã cam kết sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm gạo hữu cơ Sepon của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị vào siêu thị BigC Huế, Đà Nẵng, Vinh. Công ty Cổ phần kinh doanh và chế biến nông sản Bảo Minh sẽ lấy mẫu sản phẩm hồ tiêu để giới thiệu, xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Công ty TNHH Thực phẩm Lương An cam kết sẽ hỗ trợ toàn bộ sản phẩm của tỉnh Quảng Trị có nhu cầu quảng bá, kết nối tại Hà Nội được trưng bày tại quầy hàng của Trung tâm Xúc tiến nông nghiệp; đồng thời trước mắt sẽ đưa 1 tấn đậu xanh tằm của Hợp tác xã nông nghiệp Cổ Mỹ ra thị trường Hà Nội và tiếp tục đưa sản phẩm gạo, tiêu hữu cơ trong thời gian gần nhất...

Ở góc độ vùng nguyên liệu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Musa Pacta Đỗ Thị Lan Hương cho biết, công ty là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sợi chuối và các sản phẩm từ thân cây chuối. Do vậy, doanh nghiệp rất ấn tượng với vùng nguyên liệu từ cây chuối tại huyện Hướng Hóa. Đặc biệt, đây là vùng nguyên liệu có giá trị cao do cây chuối đang được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Theo bà Hương, trên cơ sở chuyến khảo sát, công ty có định hướng hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp trong việc thu mua thân chuối để sản xuất tơ sợi chuối; sản xuất tinh bột chuối từ quả chuối. Đồng thời, liên kết xây dựng vùng trồng chuối đạt chứng nhận hữu cơ. Trong đó công ty sẽ cung cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn quy trình trồng và thu mua sản phẩm.

“Doanh nghiệp cam kết sẽ triển khai ngay dự án chế biến nguyên liệu từ cây chuối tại huyện Hướng Hóa gồm: xây dựng khu sơ chế nguyên liệu tinh bột chuối, tơ sợi từ thân cây chuối; tiến đến xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu từ cây chuối để chế biến sâu các sản phẩm xuất khẩu, hỗ trợ bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra từ cây chuối với quy mô khoảng 4.200 ha chuối...”, bà Hương khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hưng thông tin, sau chuyến khảo sát, những nội dung, phạm vi hợp tác phù hợp với chiến lược và điều kiện sẽ được Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các nhà phân phối, doanh nghiệp, HTX tỉnh Quảng Trị và Thành phố Hà Nội tiếp tục bàn bạc cụ thể trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, 2 bên cam kết sẽ hỗ trợ nhau trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp 2 tỉnh, thành phố tại các thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm do 2 địa phương tổ chức.

Cũng theo ông Hưng, từ đầu năm đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với những hoạt động tích cực trong việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt được mức tăng trưởng khá cao.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện 9 đề án thuộc chương trình xúc tiến thương mại năm 2023. Vận động, mời gọi và tổ chức đoàn doanh nghiệp tỉnh tham gia sự kiện kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại thành phố Đà Nẵng; hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chủ trì, phối hợp với siêu thị Co.opmart Đông Hà và tổ chức đoàn làm việc với các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến tại các huyện Triệu Phong, Cam Lộ... để xây dựng chuỗi cung ứng, phân phối tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Tiến hành xây dựng thương hiệu, hoàn thiện và phát triển sản phẩm, phân phối cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất.

“Thông qua các đề án xúc tiến thương mại đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm; góp phần thúc đẩy hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cũng như đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp”, ông Hưng khẳng định.

 

Bình luận