Hoàn thiện quy trình sản xuất thúc đẩy thương mại nông sản

Bình luận · 213 Lượt xem

Thị trường nông sản Việt Nam giữ đà tăng liên tục về xuất khẩu trong 10 năm qua, bất chấp dịch bệnh và địa chính trị thế giới phức tạp.

Toàn cảnh Hội thảo Triển vọng thị trường thương mại nông sản Việt Nam ngày 4/11.

Toàn cảnh Hội thảo Triển vọng thị trường thương mại nông sản Việt Nam ngày 4/11.

Kỷ lục thặng dư thương mại về xuất khẩu nông lâm thủy sản diễn ra vào năm 2020, đạt ngưỡng 10,4 tỷ USD. Trong cùng năm, giá trị xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD. Năm 2022, Bộ NN-PTNT dự kiến xuất khẩu 55 tỷ USD, tăng hơn 30% so với kỷ lục xuất siêu năm 2020. Tuy nhiên, thặng dư thương mại năm nay ước khoảng 6-7 tỷ USD.

Trong hơn 10 năm tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... ổn định. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Bất chấp hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sức tăng trưởng của một số nhóm hàng chủ lực được duy trì ổn định như gỗ và lâm sản, thủy sản, hạt điều, cao su, gạo, sắn... Riêng nhóm hàng thủy sản năm 2022 dự kiến xuất khẩu vượt 10 tỷ USD.

Trên nền giá cả những sản phẩm như thịt, trứng, gạo... tại thị trường trong nước ổn định, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn chỉ ra 5 lý do giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản liên tiếp đạt kỷ lục.

Đó là: nhu cầu của thế giới liên tục tăng, Việt Nam chủ động mở cửa sớm sau Covid-19, tăng cường trao đổi thương mại với các thị trường lớn, tận dụng ưu đãi từ các FTA thế hệ mới, áp dụng ngày một nhiều khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Giữ đà tăng trong nhiều năm, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhận tổng cộng 907 thông báo từ các quốc gia WTO về những vấn đề liên quan đến SPS, tăng 21% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia thông báo nhiều nhất, với 126 thông báo, chiếm 13,7%. Xếp sau là Brazil, EU, Canada và Mỹ. 

Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì của nông lâm sản Việt Nam, đưa ra 18 thông báo trong 10 tháng, tương đương chưa đầy 2%. 

EU, một thị trường khó tính và có tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, đưa ra tổng cộng 5.394 cảnh báo với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, từ hệ thống cảnh báo nhanh với toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam chỉ nhận 64 cảnh báo, chiếm 1,78%.

Đánh giá, các sản phẩm từ nền nông nghiệp trong nước từng bước "chạm ngõ" và "tiếp cận" với chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Ngô Xuân Nam kêu gọi người dân, HTX, cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng nâng cao hơn nữa nhận thức về kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm. 

"Người dân là chủ thể đầu tiên và trực tiếp gieo hạt thóc xuống ruộng, thả con cá dưới ao. Đó là điểm khởi đầu, cũng là đối tượng cần hỗ trợ nhiều nhất từ các cơ chế, chính sách, để giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển xanh, bền vững", ông Nam bày tỏ.

Nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam giữ đà tăng trưởng, bất chấp dịch bệnh.

Nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam giữ đà tăng trưởng, bất chấp dịch bệnh.

Chung quan điểm, Viện trưởng Trần Công Thắng lưu ý thêm 5 thách thức chính đối với thương mại nông sản trong tương lai gần.

Một là, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Hai là, chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm. Ba là, chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi. Bốn là, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng. Năm là, người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát.

Trên cảm hứng của Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Muốn đi xa phải đi cùng nhau", ông Thắng kêu gọi các bên thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất các sản phẩm bền vững, ít phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần phối hợp doanh nghiệp để xây dựng nhiều hơn thương hiệu quốc gia, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phát triển logistics và hoàn thiện quy trình sản xuất để hỗ trợ cho thương mại nông sản.

Đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhận xét, giá nông sản đã tăng mạnh từ giữa năm 2020, đạt đỉnh sau xung đột Nga - Ukraine và bắt đầu điều chỉnh trong những tháng gần đây.

Trong năm 2023, USDA dự đoán nguồn cung lúa mỳ và đậu nành sẽ tăng cao đến kỷ lục, đồng thời giá khí tự nhiên tiếp tục tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường phân bón. Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá mạnh cộng thêm lạm phát sẽ bao phủ triển vọng kinh tế toàn cầu.

Bình luận