Tận dụng ao tôm bỏ hoang nuôi cá chim vây vàng

Bình luận · 446 Lượt xem

Do nuôi tôm nước lợ ngày càng rủi ro do dịch bệnh, nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh đã chuyển sang nuôi cá biển cho hiệu quả cao, trong đó có cá chim vây vàng.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng liên kết tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên là mô hình đầu tiên được chứng nhận VietGAP trên đối tượng cá chim vây vàng thương phẩm tại tỉnh Hà Tĩnh, mở ra hướng đi mới cho người dân vùng ven biển.

Mô hình được triển khai tại hộ ông Nguyễn Văn Mai (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) với quy mô 0,5ha, thả nuôi 15.000 con cá giống với mật độ 3 con/m2. Qua hơn 4 tháng thả nuôi, đến nay tỷ lệ sống đạt 70%, trọng lượng cá đạt 0,5 - 0,6kg/con. Dự kiến, khoảng hơn 1 tháng nữa kết thúc mô hình, cá đạt 0,7 - 0,8kg/con, sản lượng đạt 5 tấn, với giá bán 140.000 - 150.000 đồng/kg sẽ cho lãi hơn 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Mai, chủ mô hình cho biết: Trước đây, phần diện tích thực hiện mô hình gia đình ông nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng hiệu quả không cao, vì vậy khi được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh hỗ trợ, ông quyết định chuyển sang nuôi cá chim vây vàng theo tiêu chuẩn VietGAP. Bước đầu cho thấy cá chim trắng vây vàng dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, an toàn hơn so với nuôi tôm.

Quá trình nuôi thấy cá phát triển khá nhanh, dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi không khó như nuôi tôm và các đối tượng thủy sản khác nên hạn chế được rủi ro. Tuy nhiên, khi thả nuôi cá chim trắng vây vàng cần phải chú ý cải tạo ao nuôi, xử lý mầm bệnh và vi sinh vật có hại. Vì đặc tính của cá chim vây vàng cần ngưỡng oxy cao nên tại các ao nuôi, ông Mai đều bố trí quạt nước để đảm bảo cung cấp đầy đủ oxy cho cá phát triển tốt. Ao hồ đều đảm bảo độ sâu trên 1,5m nước.

Sau 4 tháng thả nuôi, trọng lượng cá đạt 0,5 - 0,6kg/con. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sau 4 tháng thả nuôi, trọng lượng cá đạt 0,5 - 0,6kg/con. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh hỗ trợ một phần con giống, thức ăn, hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn và chứng nhận VietGAP cho hộ nuôi với diện tích 5.000m2. Ông Trương Huy Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Trung tâm thường xuyên cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi, tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình cho thấy cá chim vây vàng thích nghi tốt, tỷ lệ sống cao, dễ chăm sóc, có thể đưa vào nuôi thay thế, chuyển đổi những vùng nuôi thủy sản kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Tông Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm cho biết: Mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm tại hộ ông Nguyễn Văn Mai là mô hình đầu tiên tại thị trấn Thiên Cầm và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Chính quyền địa phương sẽ tổ chức tuyên truyền, nhân rộng mô hình, đồng thời đề nghị các cấp tiếp tục hỗ trợ các mô hình cho người dân.

Mô hình đã đạt chứng nhận VietGAP đầu tiên tại Hà Tĩnh trên cá chim vây vàng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Mô hình đã đạt chứng nhận VietGAP đầu tiên tại Hà Tĩnh trên cá chim vây vàng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Bà Vương Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam cho biết: Đưa quy trình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng theo tiêu chuẩn VietGAP vào áp dụng tại tỉnh Hà Tĩnh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tạo thêm nguồn hàng hoá thuỷ sản giá trị cao.

Mô hình áp dụng quy trình nuôi theo quy trình VietGAP giúp người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực khi giảm được chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động; giảm dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng tỉ lệ sống của cá; thời gian nuôi ngắn hơn và chất lượng sản phẩm cao hơn, dễ tiêu thụ hơn...

Tại Hà Tĩnh, cá chim vây vàng được nuôi bằng các hình thức khác nhau như nuôi trong ao, trong lồng, hoặc nuôi ghép với tôm. Đặc biệt thời gian gần đây, do tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ diễn biến phức tạp nên việc tận dụng ao nuôi tôm nước lợ bị bỏ hoang do dịch bệnh để nuôi cá biển nói chung và cá chim vây vàng nói riêng là giải pháp thiết thực để góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi cũng như cải thiện thu nhập cho nông dân.

Bình luận